Sức sống mạnh mẽ từ xã nông thôn mới đầu tiên của Bến Tre

Châu Bình là vùng đất nổi tiếng với “nước mặn, chà là gai”. Chính vì vậy mà đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Thế nhưng, với sức sống mạnh mẽ từ truyền thống quê hương cách mạng, sau 2 lần đạt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1995) và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2005), xã này lại tiếp tục vươn mình trỗi dậy thành xã nông thôn mới đầu tiên của Bến Tre.Và trong thời gian sắp tới, Châu Bình sẽ tiếp tục phấn đấu nâng mức thu nhập người dân lên 49 triệu đồng /người/năm.

Xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bến Tre

 Vực dậy từ đống hoang tàn, đổ nát 

Châu Bình là vùng căn cứ cách mạng chịu nhiều thiệt hại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Sau giải phóng, xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Bến Tre. Nơi đây được biết đến với tên gọi là vùng đất “bảy không”: không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước ngọt, không xe đạp và không nhà kiên cố. 
 
Ông Đào Minh Huệ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Châu Bình cho biết, toàn xã có 47 Mẹ Việt Nam anh hùng, 488 liệt sĩ, 236 thương binh..., thuộc loại cao nhất nhì tỉnh. 
 
Tuy nhiên, theo ông Huệ thì đó cũng chưa hẳn là cái khó khăn nhất của xã. Ông cho biết, vì là nơi nổi tiếng với "nước mặn, chà là gai", nên nguồn nước ngọt mới chính là cái khó khăn nhất cản trở Châu Bình vươn lên sau giải phóng.
 
“Hơn chục năm trời, người dân phải vật lộn với hàng trăm ha đất bị hoang hóa do nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Cây trồng hầu như không sinh trưởng được. Chỉ riêng cây lúa cho được một vụ mà năng suất lại rất thấp. Nhà nào mà gặt được 2 tấn/ha là đã cao lắm rồi”, ông Huệ chia sẻ.
 
Năm 1989, sau nhiều lần thất bại, công trình hàn sông với mục đích ngăn mặn trữ ngọt đã hoàn thành. Sự thành công này đánh dấu bước ngoặc “thay da, đổi thịt” đầu tiên của vùng căn cứ cách mạng Châu Bình trong niềm hân hoan, vui sướng tột cùng của người dân. 
 
Với 4.000 lượt ngày lao động, công trình này đã giúp tháo mặn rửa phèn cho hơn 2.000 ha đất. Đồng thời, giúp cho người dân tại 6 ấp của xã Châu Bình có nguồn nước ngọt sinh hoạt quanh năm. Hơn thế, trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ và đẩy năng suất lúa bình quân hàng năm lên 9 – 10 tấn/ha.
 
Ngoài ra, hàng trăm ha đất hoang hóa cũng được đưa vào sản xuất. Cơ cấu cây trồng cũng nhanh chóng thay đổi. Cụ thể, dừa, cam, chanh, mía,… được người dân đưa vào trồng rộng rãi, năng suất tăng lên rõ rệt.
 
Không dừng lại ở bước ngoặc đầu tiên đó, trên cơ sở các tiềm năng nội lực sẵn có cộng với sự tập trung quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền. Sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp. Sự đoàn kết, phát huy sức mạnh trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân mà Châu Bình đã nhanh chóng lọt vào top 5 xã điểm được tỉnh, huyện chọn, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 – 2015.
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, cuối năm 2013, trong 5 xã điểm được chọn (Châu Bình, Sơn Định (huyện Chợ Lách), Phú Nhuận (TP Bến Tre) Hữu Định và Quới Sớn (huyện Châu Thành)), Châu Bình đã bức phá và vươn lên dẫn đầu với 16/19 tiêu chí. Trong khi các xã còn lại chỉ đạt từ 9 - 10/19 tiêu chí nông thôn mới. 
 
Và ngày 14/11/2014, khi được UBND tỉnh công nhận, người dân Châu Bình lại tiếp tục vinh dự ghi vào trang sử vẻ vang của xã là “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” đầu tiên của tỉnh Bến Tre.


Châu Bình – Xã nông thôn mới đầu tiên của Bến Tre

Đến các tấm gương gương mẫu điển hình
 

Với phương châm nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhân dân là chủ thể thực hiện. Cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên là người thể hiện vai trò nêu gương. Đồng thời, lấy công tác tuyên truyền tư tưởng là mặt trận hàng đầu. Qua 04 năm triển khai thực hiện chương trình Nông thôn mới, diện mạo của Châu Bình lại một lần nữa “thay da, đổi thịt”.
 
Theo ông Huỳnh Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, sở dĩ phong trào xây dựng nông thôn mới của xã liên tục có hiệu quả, một phần cũng là nhờ vào sự đi đầu, gương mẫu của các Cán bộ, Đảng viên, Đoàn viên, Hội viên trong thực hiện xây dựng nông thôn mới như: hiến đất, hiến hoa màu để xây dựng các công trình công cộng và thực hiện các tiêu chí hộ gia đình văn hóa,…
 
Trong đó, tiêu biểu là ông Khưu Thoại Sỹ ngụ tại ấp Bình An, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Mặc dù là cán bộ tập kết ra bắc năm 1954, hiện đã về hưu và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nhưng hàng ngày, hàng giờ ông luôn tâm huyết hướng về quê hương mình. Nên ngay khi Đề án xây dựng nông thôn mới xã Châu Bình được triển khai, từ năm 2010 đến 2013, gia đình ông đã tự nguyện hiến 800m2 đất trồng dừa để xây dựng nhà văn hóa ấp Bình An và số tiền 1 tỷ 007 triệu đồng để phục vụ cho Đề án.
 
Chưa kể, ông còn vận động 440 triệu đồng để xây dựng nhà tình thương. Vận động anh em trong gia đình hiến trên 250 m2 đất trồng chanh, trồng dừa để xây dựng bê tông các tuyến lộ liên xóm đạt tiêu chuẩn tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
 
Ngoài ra, gia đình ông cũng luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân và tiếp tục tự nguyện đóng góp tiền, vật chất, ngày công lao động, góp phần cùng xã Châu Bình thực hiện đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch chương trình của các cấp đề ra từ năm 2010 – 2014. 
 
Bên cạnh ông Khưu Thoại Sỹ thì ông Nguyễn Văn Xứng, ngụ tại ấp Bình Đông A, xã Châu Bình, cũng tự nguyện hiến 1000 m2 đất trồng dừa để xây dựng đường bê tông liên tổ Nhân dân tự quản số 02 ấp Bình Đông A, xã Châu Bình. Đồng thời, ông còn động viên nhân dân trong tổ tham gia góp đất và 300 ngày công lao động để hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường dài 1.000 m2, với tổng kinh phí 110 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, bản thân ông và gia đình cũng cũng luôn đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ công dân, tiếp tục tự nguyện đóng góp tiền, vật chất, ngày công lao động phục vụ phong trào xây dựng nông thôn mới từ 2010 – 2014.
 
Ông Bùi Văn Bình, Bí thư Chi bộ ấp Bình Đông A, Cựu chiến binh xã Châu Bình cũng là một tấm gương gương mẫu điển hình. Ông đã đóng góp 150 m2 đất và tiền xây dựng nhà văn hóa ấp. Đồng thời, vận động anh em trong Hội Cựu chiến binh xây dựng 2000 cây xanh trên tuyến lộ 573. 


Khoảng 2000 cây xanh được trồng phủ dọc 2 bên các tuyến đường bê tông của xã

Ông Bình chia sẻ: “Bản thân tôi đã từng đi bộ đội ở Campuchia. Năm 1986, trở về với thân thể lành lặng, tôi bắt đầu đóng góp cho địa phương đến nay. Nghĩ rằng may mắn hơn rất nhiều so với đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, nên giờ khả năng của tôi còn lại nhiêu thì tôi góp hết sức nhiêu
 
Lúc mới nghe nông thôn mới tôi cũng ham và mong đóng góp cho xã. Chính vì có sự đóng góp mà khi ra vận động anh em cũng rất dễ. Ví dụ nhà văn hóa vì tôi đã tự nguyện hiến đất và tiền nên khi ra vận động thì mọi người ủng hộ và đồng tình ngay.
 
Mình là cán bộ mà không đi đầu, gương mẫu thì vận động mọi người sẽ không ai nghe. Ngoài ra, khi vận động anh em thì bản thân phải đóng góp hơn người ta thì họ mới theo mình. Vả lại, mình làm là vì cái tâm. Thấy hiệu quả và thực tế thì làm, chứ không có nói trên văn bản. Chính vì cách làm việc như thế nên khi tôi vận động anh em đều nhiệt tình ủng hộ.”
 
Ngoài 3 tấm gương điển hình kể trên thì để có được diện mạo như ngày hôm nay, Châu Bình còn có sự đồng lòng, góp sức của hàng trăm, hàng ngàn tấm gương âm thầm lặng lẽ khác. Mà trong đó, không thể bỏ qua sự đồng lòng, gắng sức và đóng góp tích cực của hơn 2000 hộ dân sinhh sống tại xã.
 
Phấn đấu nâng thu nhập người dân lên 49 triệu đồng /người/năm
 
Xác định mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Do đó, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Châu Bình một mặt kế thừa và phát huy các tiêu chí đã đạt được. Mặt khác lại tiếp tục đầu tư xây dựng nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khiến cho vùng đất “bảy không” này càng ngày càng đổi mới, phát triển và đi lên. 
 
Cụ thể, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội từng bước hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người tại xã tăng bình quân 3,06 triệu đồng/năm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Hệ thống chính trị được kiện toàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…


Trạm Y tế xã Châu Bình

Một số lĩnh vực khác như: chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực,…cũng đã có những chuyển biến tích cực.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho biết: “Mặc dù, Châu Bình là xã nông thôn mới đầu tiên của Bến Tre. Tuy nhiên, xã không thỏa mãn với thành tích đạt được mà phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa. Xã cho rằng đây chỉ là công việc có bước khởi đầu chứ không có điểm kết thúc.
 
Vì vậy, xã sẽ tiếp tục xây dựng, lên kế hoạch củng cố, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, nâng chất từng tiêu chí hoàn thiện hơn, vững chắc hơn để đời sống vật chất, tinh thần người dân xã Châu Bình ngày càng giàu đẹp hơn"
 
“Xã quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2017, giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 7,82% (185 hộ) xuống dưới 4% (96 hộ). Và đến cuối năm 2020, đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 49 triệu đồng/người/năm”, ông Tùng nhấn mạnh.
 
Trong đó, tiêu biểu, xã sẽ phát triển các hình thức sản xuất mà cụ thể là hợp tác xã (HTX). Trên cơ sở, củng cố các Tổ hợp tác, xã sẽ thành lập mới Hợp tác xã nông nghiệp Châu Bình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đồng thời, tiếp tục thành lập, phát triển một Tổ hợp tác rau màu và một Tổ hợp tác chăn nuôi bò vỗ béo. 
 
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, để giải quyết được bài toán thoát nghèo, quan điểm của Ban chỉ đạo và Đảng ủy là sẽ quan tâm vận động con em trong độ tuổi lao động cho xuất khẩu. Vì không có cái nào làm ngon bằng mô hình xuất khẩu lao động. Làm kinh tế có khi lời, khi lỗ. Lời thì thoát nghèo, lỗ thì quay lại nghèo như cũ. Rất bấp bênh…
 
Ngoài ra, trong thời  gian sắp tới, xã cũng sẽ thực hiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Và trọng tâm tập trung cho các công việc sau:
 
Vận động 4 hộ khắc phục đường dây sau điện kế đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Điện lực Giồng Trôm rà soát lại số hộ có dây dẫn điện sau điện kế xuống cấp, gây mất an toàn.
 
Vận động 215 hộ tham gia sử dụng nước máy, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước máy đạt 65%. Vận động 4 hộ còn nợ hố xí hợp vệ sinh xây dựng hoàn thành trong năm 2017. Đồng thời, Ban Chỉ đạo xã phối hợp các ấp kiểm tra, đôn đốc việc nâng chất các tiêu chí, xóa dần tập quán cầu tiêu ao cá, dọn dẹp cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. 
 
Sử dụng nguồn vốn thưởng nông thôn mới của Trung ương để tập trung xây dựng nâng cấp các công trình: Đường liên ấp Bình Long và Bình Lợi (Lộ Xóm Cống) với chiều dài 910m, rộng 2m; đường liên ấp Bình Long và Bình Xuân (lộ 500) với chiều dài 800m, rộng 2; lộ Kênh Giữa liên ấp Bình Long và Bình Xuân với chiều dài1.980m2, rộng 2m; Đường liên tổ nhân dân tự quản số 1 đến số 9 ấp Bình Khương với chiều dài 1.980m2, rộng 2m; đường liên tổ nhân dân tự quản số 10 và 11 ấp Bình Lợi với 1.000m2, rộng 2m. 
 
Và cuối cùng là đào tạo trung cấp chính trị cho 1 cán bộ. 

Theo nongthonviet.com.vn

Tin cùng chuyên mục