Nông thôn mới ở Quảng Nam - Kỳ tích 20 năm đổi mới

Khi bắt tay triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Nam có điểm xuất phát thấp, hầu hết các xã chỉ đạt vài tiêu chí. Song, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình, Quảng Nam đã đạt được những thành quả ấn tượng.

Phóng viên NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Thu (ảnh) – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về cách làm NTM hiệu quả cũng như việc tập trung đầu tư và nâng chất các tiêu chí NTM trong thời gian tới.


Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Thưa ông, Quảng Nam có điểm xuất phất thấp, song qua triển khai xây dựng NTM, tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Vậy, theo ông đâu là  bí quyết của tỉnh để làm được điều này?

- Toàn tỉnh Quảng Nam có 204 xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong đó có 98 xã thuộc 9 huyện miền núi. Năm 2010, khi phát động xây dựng NTM, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn là 2,61 tiêu chí/xã; 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó 48 xã chưa đạt tiêu chí nào.

Khi bắt tay triển khai, nhờ huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trên hết là sự đồng thuận của người dân, đến cuối năm 2016, Quảng Nam có 62 xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn năm 2015; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,06%/năm... Bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh hiện là 12,5 tiêu chí/xã, tăng 9,89 tiêu chí/xã so với năm 2010 và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.


Hạ tầng giao thông ở khu vực nông của tỉnh Quảng Nam được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Đoàn Hồng.

Trên cơ sở các văn bản Trung ương, trong hơn 6 năm qua, Tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều loại văn bản hướng dẫn, hỗ trợ về cơ chế, chính sách, như: Quy định mức hỗ trợ kinh phí đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh đối với một số công trình xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình NTM; đầu tư GTNT, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi, cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa trường lớp… Nhờ đó đã khuyến khích được các tổ chức, cá nhân chung tay xây dựng NTM, đặc biệt vai trò chủ thể của người dân được phát huy, chủ động thực hiện và trực tiếp hưởng lợi từ thành quả đạt được.

Trong triển khai thực hiện NTM, Tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên tuyền; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và các Hội, đoàn thể cùng vào cuộc thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phát động các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM...

Tỉnh cũng đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn để nâng cấp, xây mới các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, nhất là các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 – 2020.

Tính đến ngày 30.10.2016, toàn tỉnh đã huy động được hơn 18.536 tỉ đồng để thực hiện Chương trình NTM. Trong đó, vốn doanh nghiệp, HTX là 306 tỉ đồng, đóng góp của nhân dân là trên 1.022 tỉ đồng...

Tính đến ngày 30.10.2016, toàn tỉnh đã huy động được hơn 18.536 tỉ đồng để thực hiện Chương trình NTM. Trong đó, vốn doanh nghiệp, HTX là 306 tỉ đồng, đóng góp của nhân dân là trên 1.022 tỉ đồng...

Để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, việc làm… Quảng Nam sẽ làm gì để tiếp tục đầu tư cho các xã, huyện và thị xã đã về đích?

- Để nâng cao chất lượng các tiêu chí, Tỉnh chú trọng giải pháp phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, cải tạo cảnh quan môi trường, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao thu nhập và sự hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.


Việc chú trọng xây dựng các cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao đã giúp cho nông dân Quảng Nam có thu nhập gấp 2 lần so với trưới đây. Ảnh: Đoàn Hồng.

Trong phát triển sản xuất, Tỉnh chỉ đạo các địa phương gắn xây dựng NTM với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành NN và nhân rộng mô hình tích tụ ruộng đất để hướng đến hình thành các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, tiếp tục triển khai Đề án phát triển, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; Đề án đào tạo nghề… Đặc biệt, Tỉnh chú trọng thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn; Hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực NN, nông thôn để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, Quảng Nam đã ban hành và chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. Tỉnh hỗ trợ đầu tư 500 triệu đồng/khu dân cư NTM kiểu mẫu; hàng năm hỗ trợ ít nhất 500 triệu đồng đối với mỗi xã đã đạt chuẩn NTM để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các xã nâng cao mức đạt chuẩn của các tiêu chí hạ tầng,… Phấn đấu sau 5 năm, các địa phương đủ điều kiện công nhận xã NTM kiểu mẫu.

Trong những năm tới, Tỉnh ưu tiên và dành nguồn lực đầu tư cho các địa phương chưa đạt chuẩn (các xã nghèo, xã miền núi) như thế nào?

- Tại các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, Tỉnh chỉ đạo tập trung rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện tốt Đề án phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho miền núi như: Chương trình 30a, 30b, 135, chính sách hỗ trợ di dân cho đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về làm việc và đánh giá cao sự đổi thay mạnh mẽ của Quảng Nam trong những năm qua. Ảnh: Đoàn Hồng

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn 2016 – 2020, Tỉnh ưu tiên chỉ đạo nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo và các xã có khả năng đạt chuẩn. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 55% số xã đạt chuẩn NTM, có thêm 01 huyện đạt chuẩn, 02 thành phố hoàn thành xây dựng NTM và duy trì huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đạt chuẩn NTM, bình quân chung số tiêu chí đạt 15-16,5 tiêu chí/xã.


Quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất rau, quả theo hướng sạch đã giúp nông dân xứ Quảng có thu nhập ổn định. Ảnh: Đoàn Hồng

Các Sở, Ban, ngành tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai NTM phù hợp với đặc thù của từng địa bàn của tỉnh. Đồng thời, tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng NTM theo cơ chế đầu tư nhưng bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm…

Chú trọng thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư có hiệu quả, hạn chế việc nợ đọng trong xây dựng cơ bản...

Theo danviet.vn

Tin cùng chuyên mục