Hơn 462.000 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục trong xây dựng Nông thôn mới

Tính đến tháng 6/2019, tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục để thực hiện Chương trình MTQG xây dưng Nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2019 khoảng 462.791,1 tỷ đồng.

Tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục để thực hiện Chương trình MTQG xây dưng Nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2019 khoảng 462.791,1 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ lệ các xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 (cơ sở giáo dục có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia) là 52,44% (tăng 23,7% so với năm 2015). Phổ cập giáo dục, mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100% tỉnh, thành phố; 99% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Các cơ sở giáo dục huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học tại địa bàn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học. Tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia trên cả nước tăng xấp xỉ 30%.

Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa được chính quyền và người dân địa phương nhận thức đầy đủ. Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi mẫu giáo, mầm non có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn tiếp diễn. Việc rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp học chưa phù hợp, chậm thực hiện dẫn đến tình trạng thiếu trường mầm non ở khu đông dân cư. 

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu tăng cường đầu tư đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng bền vững trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Trong đó, phấn đấu đạt 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đến năm 2025 có  ít nhất 30/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 80% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2; phấn đấu có  ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Các địa phương phải chuẩn bị và ưu tiên các nguồn lực đầu tư, đặc biệt chú trọng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; trao đổi, học tập kinh nghiệm. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đánh giá, khắc phục tình trạng thẩm định, tránh bệnh thành tích và tình trạng nợ chuẩn khi xem xét đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM ở các địa phương.

Bài, ảnh: Thảo Duy/Báo Nông thôn Việt

Tin cùng chuyên mục