Hà Tĩnh: Giữ nếp làng trong xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), Hà Tĩnh được xem là một trong những địa phương có những cách làm sáng tạo nhận được sự đồng thuận cao đó là, xây dựng NTM gắn liền với việc giữ gìn nếp làng, các giá trị văn hóa truyền thống của xóm làng.

Minh chứng như ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, mặc dù trong việc xây dựng đường bê tông hay nhà văn hóa thôn xóm nhưng vẫn giữ gìn các cây cổ thụ cũng như những giếng làng, sân đình vì thế nơi đây trở thành làng quê kiểu mẫu đáng sống.

Chị Phan Thị Hồng ở xóm 2 xã Cẩm Bình cho biết: Khi xã triển khai chương trình xây dựng NTM người dân chúng tôi đều nhất trí ủng hộ và sẵn sàng đóng góp sức người và sức của… Tuy nhiên người dân cũng đề nghị chính quyền nghiên cứu phải giữ lại các hàng cây cổ thụ và các những giếng làng cũng như đình làng mà ông cha đã để lại để cho xóm làng được mát mẻ, ấm cúng…


Giếng làng cổ, thôn Phượng Sơn, xã Trường Lộc.

Theo chị Hồng giữ lại những cái này cũng là giữ nét văn hóa của làng. Hằng năm cứ đến ngày lễ tết con cháu tập trung về các đình làng để tổ chức lễ hội, trò chơi… tạo nên sự đoàn kết trong thôn xóm.

Trong quá trình xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương luôn lắng nghe ý dân và phát huy dân chủ tập thể; giao trách nhiệm cho thôn, xóm thực hiện việc quy hoạch theo quy định với ưu tiên phải giữ lại các công trình, hiện vật mang biểu tượng văn hóa của mỗi thôn như, cây đa cổ, những giếng làng, sân đình… Bên cạnh đó tích cực trồng các loại cây xanh nhằm tạo cho làng quê được mát mẻ hơn…

Chị Đặng Thị Thúy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cẩm Bình cho biết: Khi xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hội đã chỉ đạo các chi hội phối hợp cùng các đoàn thể khác thực hiện tuyên truyền cho Nhân dân biết được những chủ trương; bên cạnh đó tăng cường động viên chị em trồng những hàng rào xanh vừa để tạo môi trường mát mẻ, vừa giữ lại vẻ đẹp, nét bình yên của làng quê xưa.

“Hiện nay, Hội LHPN xã đã trồng và chăm sóc hơn 20km bờ rào xanh ở khắp các đường thôn, ngõ xóm, góp phần gìn giữ màu xanh nông thôn, chị Thúy chia sẻ.

Cũng như Cẩm Bình, thôn Phượng Sơn xã Trường Lộc (huyện Can Lộc) là một trong những miền quê văn hóa có nhiều di tích lịch sử.

Ngoài hệ thống di sản, di tích và các nhà thờ dòng họ được bảo tồn, xã còn có 10 nhà cổ và rất nhiều giếng nước cổ… đây được xem như báu vật về văn hóa vì thế, trong phong trào xây dựng NTM hôm nay, người Trường Lộc vẫn luôn chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa làng quê mà cha ông để lại.

Ông Nguyễn Trường Biên (65 tuổi) ở xóm 5 cho biết: Xây dựng NTM là để cuộc sống người dân được tốt đẹp hơn; thế nhưng cũng đừng đánh đổi tất cả bởi những cái gì mà ông cha để lại thì cố giữ để giáo dục truyền thống cho con cháu
“Hội người cao tuổi chúng tôi còn trồng thêm 2 cây đa và vận động con cháu đóng góp mua thêm một số ghế đá để phục vụ cho ai có nhu cầu nghĩ ngơi . Thực sự khu vực giếng làng giờ đã trở thành nơi nghỉ mát, vui chơi của người già, trẻ con trong làng”, ông Biên tự hào khoe.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch xã Trường Lộc (huyện Can Lộc), xã Trường Lộc về đích xây dựng NTM năm 2016. Trong quá trình xây dựng NTM, địa phương xác định, xây dựng không có nghĩa là phá vỡ cấu trúc cảnh vật thôn xóm nên khi triển khai, xã lấy ý kiến toàn dân, tham khảo ý của các bậc cao niên về cái nào nên giữ. Đặc biệt, những gì thuộc văn hóa của làng thì bằng mọi giá phải giữ và phục hồi. Hiện nay trên địa bàn xã có hàng chục giếng làng và đình làng đang được gìn giữ và tôn tạo nên đã tạo nên một Trường Lộc trở thành miền quê đáng sống.

Xây dựng NTM nhưng vẫn giữ được nếp làng là điều đáng trân trọng. Hy vọng cách làm này được nhiều địa phương áp dụng để các giá trị truyền thống mãi trường tồn với thời gian.

Bài, ảnh: Minh Thứ/ Báo Dân tộc

Tin cùng chuyên mục