Bức tranh nông thôn mới ở vùng cao Thanh Hóa

Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã vùng đồng bằng đã là chuyện không dễ, với các xã miền núi thì còn khó khăn gấp trăm bề. Ấy thế mà ở tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều xã miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM...

Xây dựng nông thôn mới ở xã 135

Về xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa)-trước đây là xã 135 vùng miền núi rất khó khăn, chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc đổi thay nơi đây. Con đường rải đá khá êm đưa chúng tôi tới Nhà văn hóa thôn Tiền Phong. Tiếp chúng tôi tại đây, ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã nói: "Ngọc Sơn có 5.755 nhân khẩu, 80% là đồng bào dân tộc Mường. Ban đầu thực hiện xây dựng NTM, Ngọc Sơn chỉ đạt duy nhất một tiêu chí về y tế, mà tiêu chí này cũng do chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với những xã thuộc diện 135. Để xây dựng NTM thì cán bộ và người dân phải đồng lòng, quyết tâm, phải hiểu được ý nghĩa thực chất của xây dựng NTM. Đồng bào khi đã hiểu, họ tham gia tích cực, làm thật sự".

 Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn huy động đóng góp của người dân kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu lao động được xem là yếu tố then chốt để xây dựng NTM bền vững tại xã Ngọc Sơn. Hằng năm, Ngọc Sơn có khoảng 40 người đi xuất khẩu lao động, gần 100 lao động chuyển sang làm dịch vụ, công nhân. Kết quả, thu nhập bình quân đầu người của Ngọc Sơn đến nay đạt 40,3 triệu đồng/người/năm.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Đào Thị Thúy Hà ở xã Ngọc Sơn tươi cười nói: "Xây dựng NTM giúp chất lượng cuộc sống của chúng tôi được nâng lên. Ví dụ, hội viên hội phụ nữ tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, làm nhà vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa... Môi trường được bảo đảm nên người dân trong xã cũng ít ốm đau hơn so với trước đây".


Trồng dưa trong nhà kính - mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân, Thanh Hóa).

Quan trọng nhất là nhận thức của người dân

Tới thôn Giáng, xã Quang Hiến (Lang Chánh, Thanh Hóa), được thưởng thức những điệu múa của đồng bào dân tộc xen lẫn tiếng cồng chiêng vang vọng giữa đại ngàn khiến chúng tôi rạo rực, phấn chấn. Trưởng thôn Lê Thanh Nhàn bảo: "Thôn Giáng có 124 hộ dân với 558 nhân khẩu thì người Mường chiếm tới 98,5%. Trước đây, thôn Giáng nghèo khó, đường sá đi lại lầy lội. Đến năm 2015, thôn Giáng trở thành thôn đầu tiên của huyện Lang Chánh đạt chuẩn NTM, hiện nay đang phấn đấu trở thành thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2019. Cả thôn có 306 lao động thì hiện đều có việc làm, nhờ đó thu nhập bình quân đầu người đạt 50,2 triệu đồng/người/năm. Để nâng cao thu nhập, thôn Giáng đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Nuôi gà thịt, thâm canh rừng luồng, chăn nuôi trâu, bò...; thành lập được các tổ thợ xây, tổ sản xuất vật liệu xây dựng...".

"Vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường nhiều nơi đang rất vướng, vậy thôn Giáng giải quyết như thế nào?", tôi hỏi Trưởng thôn Lê Thanh Nhàn. Không chút đắn đo, anh trả lời ngay: "Chúng tôi lập hai khu chăn nuôi tập trung, vừa thuận lợi cho chăn nuôi vừa không gây ảnh hưởng môi trường, rác thải được thu gom xử lý, không vứt bừa bãi. Các nhóm hộ trong thôn tự giám sát lẫn nhau, kết hợp sự giám sát thường xuyên của cán bộ thôn, các đoàn giám sát của xã để thực hiện tiêu chí này". Nói rồi trưởng thôn dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn. Quả đúng như lời anh nói, việc tách khu chăn nuôi tập trung ra khỏi các hộ gia đình góp phần giúp môi trường, cảnh quan của nơi đây xanh, sạch, đẹp hơn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Quang Hiến hào hứng: "Hiện xã đã có 4 thôn đạt chuẩn NTM". Nói về “bí quyết” xây dựng NTM, ông Phan Văn Thái nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải "đánh thức" được tinh thần của người dân để phát huy nội lực, kết hợp kêu gọi sự ủng hộ của cấp trên, doanh nghiệp. Để phát triển kinh tế, xã tập trung vào chăn nuôi, phát huy thế mạnh vườn rừng, trang trại tổng hợp, đẩy mạnh việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực khác... Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 10,6%, đã tiệm cận tiêu chí về hộ nghèo của xã NTM. 

Tiếng hát của cô gái Mường đương độ trăng tròn lúc chia tay khiến chúng tôi trào dâng cảm xúc. Bức tranh quê mới trên các thôn, bản vùng cao xứ Thanh ngày càng đẹp hơn. Con đường về xa bỗng hóa gần...

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa: Toàn tỉnh có tổng số 569 xã, đến nay có 312 xã đã đạt chuẩn NTM. Riêng khu vực các huyện miền núi đã có 50 xã và 592 thôn, bản đạt chuẩn NTM. 

Bài, ảnh: Nguyễn Kiểm/ Báo Quân đội nhân dân

Tin cùng chuyên mục