“Việc khó đã có dân cùng lo”

Chuyện hiến đất vườn, đất ruộng đã có nhiều nhưng hiến đất thổ cư, tháo dỡ nhà cửa để dành đất mở rộng đường làng, ngõ xóm thì rất hiếm. Vậy mà, các hộ dân đã đồng loạt tự nguyện hiến cả nghìn m2 đất để xây dựng các công trình công cộng, khiến cho việc hiến đất trở thành một phong trào, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chuyện đó không ở đâu xa mà ngay ở thôn Cây Khế, nay là thôn 11, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang), nơi “tấc đất tấc vàng”.

Từ chủ trương đúng 

Năm 2015, UBND thành phố Tuyên Quang đồng ý hỗ trợ người dân thôn 11 xây dựng con đường liên thôn nối Quốc lộ 2 với thôn 6, song việc mở rộng đường phải nhờ nhiều vào sức dân bởi nguồn vốn đầu tư có hạn. Nhà nước cấp xi măng, đường ống cống còn lại sẽ huy động nhân dân vào cuộc. Lúc ấy, ông Nguyễn Tăng Đậu đang làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, ông Đậu nghĩ mở rộng đường là việc khó vì đụng đến tài sản của dân là đất đai, nhưng nếu quyết tâm cao, có cách làm đúng chắc chắn sẽ thành công. Nghĩ là làm, ông đứng ra tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc làm đường và mở rộng đường, sẽ tạo điều kiện đi lại thuận lợi, buôn bán phát triển. Ông Đậu và gia đình nhận hỗ trợ toàn bộ chi phí máy móc thi công, đồng thời kêu gọi “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Phong trào hiến đất được khởi xướng từ chính những đảng viên trong Chi bộ rồi lan tỏa, tạo sự đồng thuận cao khiến việc giải phóng mặt bằng là việc khó nhất được hoàn thành

Đường bê tông ở thôn 11, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) được mở rộng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.  Ảnh: Huy Hoàng

Ở thôn 11, đảng viên Đào Xuân Bốn là người đi đầu trong thực hiện mở rộng tuyến đường, gia đình ông đã hiến gần 300 m2 đất với chiều dài bám theo mặt đường gần 60 m, sâu hơn 4 m, nếu quy ra tiền có lẽ đến cả trăm triệu đồng. Vậy nhưng, ông Bốn không chút ngần ngại hiến đất làm đường. Ngày thấy máy xúc về làng ông gọi ngay đến phá chiếc cổng bề thế vốn gắn bó với gia đình ông bao năm để vào mở rộng đường, bà con nhìn gia đình ông Bốn đập cổng mà nể phục tấm lòng vì việc chung nên nhiều người làm theo giúp việc giải phóng mặt bằng diễn ra “thần tốc”. Ông Bốn nói, đảng viên mà không làm thì bà con chẳng ai tin, bởi đất đai là tài sản lớn nhưng vì việc của làng xóm còn lớn hơn, vì việc chung mà hy sinh một chút quyền lợi của cá nhân nhưng đem lại lợi ích lâu dài, giúp đời sống người dân nâng lên, hiểu ra bà con sẽ hết lòng ủng hộ. 

Lan tỏa phong trào “hiến đất”

Từ việc làm tốt của ông Bốn đã lan tỏa và xuất hiện thêm nhiều “ông Bốn” khác đón máy xúc, máy ủi vào vườn nhà san ủi đất mở rộng đường hoặc hiến đất làm các công trình công cộng. Có thể kể đến như: Gia đình ông Nguyễn Xuân Mười hiến trên 300 m2, gia đình ông Hoàng Văn Thắng hiến trên 300 m2, gia đình ông Phạm Xuân Khải hiến trên 100 m2… Các gia đình không chỉ hiến đất mà còn tích cực tham gia ngày công lao động  khiến con đường “kiểu mẫu” của thành phố Tuyên Quang được hoàn thành đúng kế hoạch. Con đường liên thôn từ chỗ chỉ rộng 3 m đã được mở rộng gấp đôi  là 6 m, 2 bên hành lang mỗi bên 3 m được trồng cây hoa và dành cho người đi bộ, từ đây đường thôn sánh ngang với đường tỉnh lộ.


Đoạn đường nông thôn kiểu mẫu ở thôn 11, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang).

Khi triển khai làm, không ít ý kiến thắc mắc hỏi lên thôn, lên xã rằng “Sao các ông làm đường to thế”, “đường thôn thì cần gì phải rộng mà chỉ cần lọt cái xe ba gác là được rồi”… Những lúc ấy, đảng viên, cán bộ thôn lại phát huy vai trò dân vận, nói tường tận để dân hiểu từng việc. Ông Bốn chia sẻ, khi người dân thắc mắc, ông đã giải thích rằng, ngày trước thôn chỉ có 24 hộ mà đến nay số hộ đã tăng lên 7, 8 lần nên đường phải rộng hơn. Hay phương tiện thì từ chỗ bà con đi loại 2 bánh nay lên 4 bánh, thậm chí đến tám, mười bánh (xe tải). Cùng với đó, những hàng quán, cửa hàng kinh doanh mở ra ngày một nhiều… Trong thôn có đường giao thông rộng rãi, sạch đẹp như là một nước cờ đi trước đón đầu xu thế phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân... Những lời giải thích thấu tình, đạt lý như vậy đã thuyết phục được nhân dân và họ tâm đắc làm theo.

Ngày khánh thành con đường mới, bà con trong thôn vui như mở hội, bởi từ nay đã chấm dứt cảnh “2 chú dê qua cầu” khi có 2 ô tô cùng về làng hay cám cảnh những chiếc xe sụt ổ trâu phải nằm đường cả buổi. Có đường mới, bà con mở mang phát triển dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình. Anh Hoàng Thành Trung, người dân thôn 11 bày tỏ, gia đình anh chuyên sản xuất vật liệu xây dựng nên trước đây mỗi lần vào thôn là mỗi lần mướt mồ hôi, nhưng nay với đường rộng đẹp thì chỉ loáng cái là vào đến nơi. Đường đẹp bà con đã trồng hoa 2 bên đường, vào buổi sáng hay chiều muộn còn trở thành nơi tản bộ, ngắm cảnh thư giãn khiến chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Nhiều hộ từ chỗ có đường mới đã mở mang kinh doanh dịch vụ, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Điển hình của những điển hình

Phát huy những kết quả đạt được, người dân thôn 11 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, mở rộng xây dựng đường làng ngõ xóm và các công trình công cộng. Đến nay, gần 100% các con đường trong thôn đã được bê tông hóa, tổng diện tích hiến đất làm đường và các công trình công cộng từ năm 2015 đến nay đã lên đến hơn 6.000 m2 với hơn 40 hộ dân tự nguyện ủng hộ, trị giá hàng tỷ đồng. Liên tiếp các công trình công cộng như đường liên thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hóa, nhà truyền thống… đều được huy động, vận động từ sức dân mà không một ai thắc mắc bởi mọi người đều thông suốt, coi của công là của chung, phục vụ việc chung và vì lợi ích lâu dài. Ông Phạm Xuân Khải, người đã từng dỡ nhà để nhường đất làm đường chia sẻ, sống trong một tập thể dân cư cùng đồng lòng, chung sức, người này làm việc tốt, người kia ắt sẽ làm theo, dần dần tạo sức lan tỏa lớn. Song vai trò của những người đứng đầu, đảng viên như ông Bốn, ông Đậu… mới thực sự quan trọng bởi người dân nhìn vào đó để noi gương.


Xây dựng đường bê tông nông thôn giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế (Trong ảnh là mô hình 
sản xuất vật liệu xây dựng của gia đình Hoàng Thành Trung ở thôn 11).

Trong năm 2019, từ sự ủng hộ của người dân trong thôn, nhất là cá nhân nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Tăng Đậu, công trình nhà chờ, cổng, sân bê tông của nghĩa trang thôn được hoàn thành, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp. Ông Ngô Tiến Mạnh, người vừa được đảng viên, bà con trong thôn bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 11 cho biết, tiếp nối truyền thống đoàn kết, hết sức, hết lòng vì việc chung của thôn ông và những đảng viên, cán bộ thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con trong thôn đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng thôn ngày càng phát triển. Đến nay, toàn thôn có 126 hộ, trong đó chỉ còn 2 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm.

Từ sự đồng thuận hết lòng vì việc chung, bà con nhân dân thôn 11 đã thực hiện hiệu quả lời dạy của Bác Hồ “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Qua đó còn cho thấy, uy tín cũng như sự lãnh đạo, điều hành và cách dân vận khéo của cán bộ, đảng viên Chi bộ thôn 11 đã mang lại kết quả tích cực. Tập thể nhân dân thôn từ trên xuống đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện mục tiêu chung, xây dựng khu dân cư phát triển mọi mặt, trở thành điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng. Đặc biệt, năm 2019, thôn được Quân khu 2 và tỉnh lựa chọn là điểm đến học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác dân vận khéo với sự tham gia của đại biểu đến từ 9 tỉnh trên địa bàn quân khu. Từ đây, những câu chuyện hay về hiến đất làm các công trình công cộng của bà con tổ 11 lại một lần nữa được lan tỏa, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Tuyên Quang thân thiện, nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội đến với các vùng miền khác trong cả nước.

Bài, ảnh: Huy Hoàng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục