Tín dụng ngân hàng góp phần xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang đã góp phần phát huy lợi thế lớn của tỉnh Tuyên Quang về nghề rừng, chăn nuôi và trồng trọt, từng bước thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển, đưa Tuyên Quang từ điểm xuất phát thấp từng bước trở thành tỉnh khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang, trao hỗ trợ làm nhà cho hộ bà Lý Thị Chi, thôn Tân Hải Thành, xã Thái Long, TP Tuyên Quang. (Ảnh nguồn baotuyenquang.com.vn)

Trong những năm qua, các phong trào trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Tuyên Quang đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, được người dân ủng hộ và đồng lòng thực hiện. Nhiều giải pháp đã được tổ chức thực hiện trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của công tác tín dụng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai, chỉ đạo tuyên truyền và tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của ngành Ngân hàng, của tỉnh về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM; chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ưu tiên, tập trung nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng.

Ngoài ra NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức làm việc với các ngân hàng cấp huyện, các xã đăng ký xây dựng NTM để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong hoạt động tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân. Qua đó tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng đạt 30.120 tỷ đồng; cho vay xây dựng NTM đạt 9.062,9 tỷ đồng, trong đó kết quả giải ngân trên địa bàn 12 xã đăng ký đạt chuẩn xây dựng NTM là 744 tỷ đồng, 09 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao là 1.326 tỷ đồng, 04 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 637 tỷ đồng, trên địa bàn huyện Hàm Yên là 1.311 tỷ đồng, trên địa bàn huyện Sơn Dương là 3.206,3 tỷ đồng. Đến nay dư nợ trên địa bàn 12 xã đăng ký đạt chuẩn xây dựng NTM là 1.125 tỷ đồng; trên địa bàn 09 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là 1.336 tỷ đồng; trên địa bàn 04 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là 674 tỷ đồng; trên địa bàn huyện Hàm Yên là 2.062 tỷ đồng; trên địa bàn huyện Sơn Dương là 3.535 tỷ đồng.

Cùng với hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, trong năm 2023 các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện công tác an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho tỉnh Tuyên Quang triển khai một số tiêu chí trong xây dựng NTM như: hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo; xây trường học, nhà công vụ cho giáo viên; tặng quà cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; tặng quà cho gia đình chính sách nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7; các công trình thắp sáng đường quê, công trình thanh niên, tặng chăn ấm cho em. Hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang đã góp phần tích cực đưa các xã về đích nông thôn mới theo lộ trình, kế hoạch đề ra.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra và góp phần đưa tỉnh Tuyên Quang hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, hệ thống ngân hàng tỉnh Tuyên Quang đã xác định tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, các NHTM, NHCSXH trên địa bàn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tỉnh và NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả.

Hai là, chủ động đẩy mạnh huy động nguồn vốn tại địa phương bằng các hình thức và biện pháp linh hoạt, hấp dẫn, thuận tiện; kịp thời tranh thủ nguồn vốn cân đối từ ngân hàng cấp trên, đảm bảo đủ nguồn vốn để cho vay phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đời sống, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các cơ chế, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM.

Bốn là, các NHTM thường xuyên chủ động tiếp cận, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và các hộ vay vốn đang gặp khó khăn để cùng rà soát, đánh giá khả năng trả nợ, khả năng tài chính của khách hàng, trên cơ sở đó có những giải pháp cùng khách hàng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho phù hợp; chú trọng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với các xã đăng ký đạt chuẩn xây dựng NTM, xây dựng NTM nâng cao, xây dựng NTM kiểu mẫu. NHCSXH chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch tín dụng hằng năm phù hợp với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

Thời gian tới NHNN tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về lãi suất, cải cách thủ tục hành chính để người dân dễ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Đảm bảo luôn cung ứng đầy đủ vốn cho các dự án phát triển sản xuất ở nông thôn, giảm nghèo bền vững, đồng thời sẵn sàng cho vay các dự án hiệu quả khác trên địa bàn./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục