Tân Thành phát triển mô hình chăn nuôi bò vỗ béo

Trong những năm trở lại đây, bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức chăn nuôi bò vỗ béo theo hình thức kinh tế tuần hoàn, áp dụng khoa học kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời thay đổi tư duy, tập quán chăn thả rông truyền thống.

Trong điều kiện diện tích đất đai đang bị thu hẹp ảnh hưởng đến việc chăn thả ngoài đồng, mô hình chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt là hướng đi phù hợp với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn tìm hiểu kỹ thuật, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò giống về thực hiện nuôi bò nhốt vỗ béo hoặc sinh sản. Mô hình này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp tiết kiệm sức lao động mà còn khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương với nguồn thức ăn dồi dào, từ đó nâng cao năng suất chăn nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, trước đây gia đình anh Nguyễn Công Nghiệp, thôn 1 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên chỉ chăn nuôi theo hình thức thả rông, vì vậy đàn bò gầy gò, chậm phát triển. Nhận thấy hình thức chăn nuôi truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2020, gia đình anh đã quyết định thay đổi từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt tập trung, tận dụng được lượng lớn phân chuồng để ủ bón cho cây trồng và tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp làm thành thức ăn dự trữ cho bò trong mùa mưa rét tạo vòng kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Từ đó đến nay, gia đình anh luôn duy trì nuôi gần 20 con bò vỗ béo an toàn sinh học, có thời điểm nuôi tới gần 40 con.

Anh Nghiệp chia sẻ: Thay vì nuôi bò theo hình thức thả ngoài bãi chăn thì nuôi bò nhốt chuồng giúp gia đình tôi giảm bớt được sức lao động khá nhiều, đồng thời cũng đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế bệnh dịch lây lan. Nhờ đó đàn bò được phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao. Chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo đem lại lợi nhuận cho gia đình tôi khoảng 2 triệu đồng/con/tháng.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng tập trung của gia đình anh Nguyễn Công Nghiệp là một trong những mô hình điển hình, thông qua việc thay đổi các tập tục chăn nuôi nhỏ lẻ để chuyển sang mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế cho thấy, bò nhốt chuồng sẽ tăng trọng lượng nhanh nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; bà con cũng có thể quản lý, theo dõi đàn bò của mình hiệu quả, chủ động trong việc phối giống hay tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò. Chất lượng thịt của bò nuôi nhốt tốt nên được thương lái ưa chuộng, bán được giá cao. Từ việc chăn nuôi bò, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng tập trung của gia đình anh Nguyễn Công Nghiệp, thôn 1 Thuốc Hạ, xã Tân Thành,

huyện Hàm Yên

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tận dụng tiềm năng đất đai, nhất là diện tích đất vườn tạp, đất trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ để chăn nuôi. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.  

Mô hình nuôi bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng đang là hướng đi có hiệu quả, lâu dài và bền vững trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, trong thời gian tới, mô hình nuôi bò nhốt chuồng sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục