Mô hình nuôi lợn VietGAP mang lại hiệu quả ở Sơn Dương

“Với hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại, nguồn gốc thức ăn, nước uống, thuốc thú y được thực hiện theo quy trình nên đàn lợn của gia đình tôi luôn phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt, dễ tiêu thụ…”. Đây là những chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Sáng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương. Một trong hai trang trại chăn nuôi lợn đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được cấp chứng nhận VietGAP.

Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, hệ thống camera theo dõi từng chuồng lợn  24/24h… là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến trang trại của gia đình anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ. Chia sẻ về nguyên nhân chọn chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình, anh Sáng cho biết: Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng nâng cao và trở thành tất yếu. Vì vậy, muốn phát triển chăn nuôi bền vững thì mình phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, gia đình có sẵn mặt bằng để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi nên gia đình đã quyết định chọn chăn nuôi lợn.


Toàn cảnh trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Ngọc Sáng

Tháng 4/2016, gia đình anh Sáng bắt đầu xây dựng chuồng trại, khi công trình hoàn thiện, gia đình anh mua 100 con lợn giống về nuôi. Thời điểm đó, giá lợn giống rất cao, sau thời gian chăm sóc khi được xuất chuồng giá lợn lại xuống thấp nên đàn lợn đó gia đình anh Sáng bị lỗ 170 triệu đồng. Không nhụt ý chí, kiên trì với hướng đi của mình, anh Sáng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và nuôi đàn lợn mới. Trong khi, nhiều hộ gia đình ở Đông Thọ, huyện Sơn Dương lúc đó đã bỏ chăn nuôi lợn vì càng nuôi càng lỗ. Để duy trì đàn lợn và kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi an toàn, anh Sáng đã tìm tòi, học hỏi công thức pha trộn thức ăn. Sau đó, anh mua nguyên liệu và máy trộn thức ăn về tự chế biến thức ăn cho lợn, không cho ăn cám ăn thẳng như trước. Cách làm này đã giúp gia đình anh Sáng giảm chi phí trong chăn nuôi, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường người tiêu dùng.

Thức ăn chăn nuôi trong trang trại của gia đình anh Sáng đảm bảo an toàn và không có chất cấm với 8 thành phần: ngô khô, đậu tương, cám gạo, cám mì, gạo bóc tách, bột cá cao cấp, dầu ăn và vitamin tổng hợp. Từ khi chăn nuôi bằng nguồn thức ăn này, đàn lợn nhanh lớn, chất lượng thịt ngon hơn.


Một góc chuồng trại chăn nuôi lợn trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Viết Sáng

Chia sẻ về điểm khác biệt giữa chăn nuôi lợn thông thường và chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Sáng cho biết: So với chăn nuôi thông thường thì chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP khó khăn hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP phải có mặt bằng, chăn nuôi tập trung, nguồn thức ăn, nước uống phải được thực hiện theo quy trình, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phòng, chữa dịch bệnh; quản lý được lượng thuốc thú y trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc ghi chép, lưu trữ thông tin theo dõi vật nuôi cần được thực hiện thường xuyên, xử lý chất thải và đảm bảo vệ sinh môi trường… Nhìn chung, ngoài cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc đàn lợn thì việc xử lý các vấn đề về chất thải là yếu tố rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của vật nuôi. Nếu chất thải không được xử lý tốt sẽ là môi trường để dịch bệnh có cơ hội phát triển, làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn lợn. Mặc dù, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe theo quy trình VietGAP,nhưng nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì đàn lợn sẽ phát triển khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi…


Kho chế biến thức ăn của trang trại gia đình anh Nguyễn Ngọc Sáng

Nhờ đáp ứng được những tiêu chuẩn chăn nuôi lợn an toàn, tháng 12/2017, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Sáng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận VietGAP. Đây là một trong hai trang trại chăn nuôi đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được chứng nhận VietGAP. Hiện nay, trang trại của gia đình anh Sáng đang có 2.000 con lợn, mỗi tháng gia đình anh bán ra thị trường 400 con lợn, tổng trọng lượng trên 40 tấn, với giá trung bình khoảng 45.000 - 50.000đ/kg. Mỗi tháng gia đình anh thu về khoảng gần 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng. Trang trại của gia đình anh cũng đang tạo việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, hiệu quả thực tế từ chăn nuôi an toàn. Thời gian tới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ có thêm nhiều trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP như trang trại của gia đình anh Sáng./.

Quỳnh Mai/Chi cục Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục