Giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang có tổng diện tích đất tự nhiên 586.790 ha, đất nông nghiệp 540.404 ha, chiếm 92%. Trong những năm vừa qua, xác định cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh để phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân; phát triển bền vững ngành mía đường của tỉnh phù hợp với định hướng phát triển tổng thể chung của ngành và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Vùng mía nguyên liệu trên 50 ha ở thôn 3, xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp chế biến, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sản xuất mía đường tỉnh Tuyên Quang đã đạt được kết quả quan trọng. Giai đoạn từ năm 2015-2017, đã xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía đường với diện tích trên 10 nghìn ha/năm; năng suất bình quân đạt trên 60 tấn/ha; sản lượng hàng năm đạt trên 600.000 tấn/năm.

Để tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo người trồng mía áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất, thâm canh, năm 2018 tại các huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện 76 mô hình thâm canh tăng năng suất mía, với tổng diện tích thực hiện là 307 ha; thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới tại Trung tâm giống của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương, với tổng diện tích thực hiện là 3 ha. Niên vụ 2017-2018 năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 61,5 tấn/ha, giá mua mía nguyên liệu là 900 đồng/kg, doanh thu bình quân từ cây mía đạt 54,9 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng mía thu lợi nhuận từ 35,2 triệu đồng/ha. So với một số cây trồng như cây chè, cây ngô, dong riềng thì lợi nhuận của cây mía cao hơn.


Cán bộ nông vụ Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương kiểm tra diện tích mía đang được ứng dụng công nghệ tưới giữ ẩm

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân từ nghề trồng mía mang theo hướng bền vững, cũng như khẳng định được vị trí cây trồng chủ lực của tỉnh. Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, phát triển quy mô diện tích sản xuất mía nguyên liệu phù hợp, chuyển phương thức sản xuất theo chiều rộng sang sản xuất theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập làm mục tiêu phát triển, cân đối với khả năng tiêu thụ đường của nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao trên toàn bộ diện tích mía và hạn chế tối đa diện tích phế canh.

Hai là,tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tập trung chăm sóc, bón phân cho mía đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại mía, tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng mía, nâng cao thu nhập cho người trồng mía.

Ba là,xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với từng địa bàn để giảm công lao động thủ công, giảm giá thành sản xuất. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất mía nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm ở các vùng trọng điểm mía tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn và Chiêm Hóa.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, nhà máy thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước như: Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 về cơ chế, chính sách hàng hóa đối với cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết 02/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiêt kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 17/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Quy định về hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (kèm theo Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 10/6/2016 kế hoạch thực hiện dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020). Thực hiện Bộ chính sách hỗ trợ của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương, chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trong 5 vụ (từ vụ 2015-2016 đến vụ 2019-2020)./.

Thu Hương/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục