Lâm Bình tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa

- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025, cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Lâm Bình có chuyển biến tích cực, chăn nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết, đến nay sản lượng lương thực của huyện hàng năm đạt trên 17.000 tấn. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 572 tỷ đồng, chiếm 41,1% cơ cấu kinh tế, trong đó: giá trị sản xuất nông nghiệp 62,5%, giá trị sản xuất lâm nghiệp 29,3%, giá trị sản xuất thủy sản 8,2%.


Mô hình trồng rau bò khai của gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Địp, xã Lăng Can (Lâm Bình).

Việc xây dựng và triển khai thực hiện phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế là nhiệm vụ trọng tâm huyện luôn hướng tới. Từ đó, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh như: 500 ha lạc thương phẩm tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Thổ Bình; gần 25 ha rau đặc sản tại các xã Hồng Quang, Bình An, Lăng Can; chăn nuôi trâu thịt, lợn đen, dê, vịt bầu với tổng đàn trên 180.000 con.

Ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, năm 2018, ông đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng ngô của gia đình sang trồng cây rau bò khai. Đến nay gia đình ông đã nhân rộng được gần 2.000 m2, trung bình mỗi vụ cho gia đình ông lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Ông chuẩn bị liên kết với các homestay trên địa bàn huyện làm dịch vụ trải nghiệm tại vườn.

Từ tập trung thực hiện cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, đến nay, toàn huyện có 1/5 trang trại tổng hợp được vay hỗ trợ lãi suất 500 triệu đồng theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích  phát triển kinh tế trang trại; 512 hộ được vay vốn theo Nghị quyết số 12 của HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi với tổng số tiền trên 25,4 tỷ đồng.


Từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, gia đình anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, 
xã Thổ Bình (Lâm Bình) phát triển mô hình nuôi trâu vỗ béo.

Từ nguồn vốn vay 400 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo Nghị quyết số 12, gia đình anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình đã mở rộng mô hình nuôi trâu vỗ béo. Anh đã mở rộng diện tích chuồng trại chăn nuôi trên 1.000 m2, mỗi lứa từ 20 đến 25 con, trung bình mỗi năm anh xuất bán 5,6 lứa, tổng thu trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh ký hợp đồng liên kết Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) thực hiện chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách; tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đổi mới, củng cố các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển mô hình doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Thu Hằng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục