Vốn tín dụng bắt nhịp nông thôn mới

- Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, tính đến hết quý I-2020, tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt hơn 10.500 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng dư nợ toàn tỉnh.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn ủng hộ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xây dựng hạ tầng như: Xây dựng trường Mầm non Khuôn Hà (Lâm Bình); làm nhà bếp ăn của trường PTDT nội trú THCS Na Hang (Na Hang); xây dựng nhà văn hóa, làm công trình thắp sáng đường quê xã Kim Quan (Yên Sơn)… Trong năm 2019, các Ngân hàng BIDV, ViettinBank và VietcomBank Tuyên Quang còn ủng hộ 1,8 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh làm nhà để xóa nhà tạm, góp phần thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới.


Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình bà Hoàng Thị Hiền, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, làm giếng lấy nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước và huy động sức dân, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân gần 2.800 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất. Trong đó, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường đã giúp gần 23.000 hộ trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Bà Hoàng Thị Hiền, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) bảo, khu vực gia đình bà sinh sống nguồn nước phục vụ sinh hoạt rất khó khăn. Năm 2019, nhờ được Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho vay mức tối đa 12 triệu đồng cùng với nguồn vốn của gia đình bà đã đầu tư làm giếng, xây dựng công trình vệ sinh khép kín. Từ ngày làm giếng, gia đình bà không còn lo lắng hứng nước mưa như trước nữa.

Năm 2020, toàn tỉnh có 10 xã phấn đấu về đích nông thôn mới. Bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới xã có sự hỗ trợ đắc lực của nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt hơn 48 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hàng trăm hộ được vay vốn đã đầu tư phát triển chăn nuôi gà, cá, lợn, trồng rừng, trồng cam, chanh tứ mùa… giúp xã hoàn thành tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 31 triệu đồng/người/năm. Đây là tiền đề để xã hoàn thành các tiêu chí khác và phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.

Thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng. Chỉ tính riêng nguồn vốn tính dụng cho vay tại 37 xã đã về đích nông thôn mới và các xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2020 đạt hơn 4.100 tỷ đồng. Để có vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động nguồn vốn. Nhờ vậy, đến đầu tháng 5-2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh là 26.605 tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn tại địa phương là hơn 23.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt hơn 17.657 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục