Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020" trên địa bàn và các kế hoạch của UBND tỉnh lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn…

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. (ảnh nguồn Internet)

Với những giải pháp đồng bộ và mang tính bền vững góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể, mở các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, đồng thời gắn đào tạo nghề với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với quy hoạch sản xuất những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của từng huyện, xã. Các nội dung hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với các lớp dạy nghề cho nông dân, đặc biệt ở các xã mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, tăng thu nhập cho lao động nông; thôn hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động thuộc hộ di dân, tái định cư thủy điện Tuyên quang theo Quyết định 1766/QĐ-TTg; rà soát và đề xuất hỗ trợ đầu tư lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, báo cáo phương án khả thi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm  01 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp, 9 trung tâm; 6/6 huyện trên địa bàn huyện đều có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập thuộc huyện quản lý. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề hàng năm trên 14.500 học sinh/năm với 03 cấp trình độ đào tạo (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) và 58 ngành, nghề đào tạo. Năm 2020 đã tư vấn việc làm và học nghề cho trên 13.000 lượt người; tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm kết nối 60 đơn vị tuyển dụng lao động và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thu hút trên 4000 lao động có nhu cầu tìm việc làm; tạo việc làm cho 23.677 người, đạt 112,7% kế hoạch; trong đó: Tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 16.540 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố 6.884 người; XKLĐ 253 người. 

Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh Tuyên Quang tổ chức đào tạo nghề cho 8.000 lao động, trong đó đào tạo trình độ Cao đẳng nghề 220 lao động; trình độ trung cấp nghề 500 lao động; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 7.280 lao động. Đến hết 31/12/2020 đã tổ chức đào tạo cho 9.273 lao động, đạt 116% kế hoạch. Trong đó: Cao đẳng 200 người; Trung cấp 500 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 7.280 người. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt trên 60%, trong đó qua đào tạo nghề trên 37%. Nâng tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động lên 124/124 xã đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo là 122/124 xã đạt tỷ lệ 98,3%.

 Không chỉ giải quyết bài toán dạy nghề, quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các huyện, xã trên địa bàn tỉnh còn mở ra nhiều cơ hội việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị trên thị trường, những thành tựu trong công cuộc dạy nghề có thể kể đến như: Tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cho tái cơ cấu điển hình như mô hình Hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng mây, tre đan của chị Lương Thị Linh, thôn Nà Khá xã Năng Khả, huyện Na Hang; HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên  được xem là một trong các đầu mối sản xuất và cung ứng cam sành Hàm Yên chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh; mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang của anh Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn Na Hang …

Tuy vậy, hoạt động dạy nghề hiện nay cũng còn có hạn chế, cụ thể: Một số cơ sở đào tạo nghề còn yếu kém, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng và còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, trong nước, lao động nông thôn, nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm...


Thầy và trò trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật, Công nghệ Tuyên Quang đi tham quan thực tế sản xuất tại Công ty Compal Việt Nam

Bà Mai Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Tuyên Quang cho rằng, để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, có văn bằng chứng chỉ là 30%  (Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo nghề cần có những giải pháp phù hợp để đào tạo vừa trúng và đúng với định hướng, nhu cầu xã hội. Cần có khảo sát thực tế  về nguồn nhân lực cho nông thôn, trên cơ sở định hướng của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, của UBND tỉnh về nhu cầu sản xuất, quy hoạch vùng nông nghiệp. Trên cơ sở số liệu khảo sát này, các trường sẽ đào tạo nguồn nhân lực lao động cho nông thôn. Bên cạnh đó, phải đào tạo lao động theo nhu cầu. Nghĩa là các doanh nghiệp và trường đào tạo lao động cần phối hợp chặt chẽ với nhau, doanh nghiệp có định hướng nguồn nhân lực ở hiện tại và trong tương lai như thế nào, cung cấp cho các đơn vị đào tạo, các trường nghề sẽ căn cứ vào đó mà đào tạo nhân lực phù hợp.

Đổi mới tư duy, dạy nghề linh hoạt, nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề nông nghiệp. Nâng cao vai trò của các trường nghề trong công tác đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn; qua đó đánh giá hiệu quả sau đào tạo gắn với việc làm và cơ cấu lao động của tỉnh; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh nếu chưa phù hợp, hiệu quả thấp; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tại các xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục