Thái Bình đổi mới tổ chức sản xuất để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Bộ mặt nông thôn hoàn toàn đổi thay, đường làng ngõ xóm khang trang, rộng rãi, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện… Một nông thôn mới kiểu mẫu đã hiện hữu từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân xã Thái Bình.

Cổng chào khu dân cư thôn 6 xã Thái Bình.

Thái Bình là xã nông nghiệp thuộc huyện Yên Sơn, diện tích đất tự nhiên là 2.699,78 ha, có 9 thôn, 1.284 hộ, 5.136 nhân khẩu, xã có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó: Dân tộc Kinh 4.611 người, chiếm 90%; dân tộc Tày 184 người, chiếm 3,6%; và các dân tộc khác chiếm 6%, trên địa bàn xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 08 hộ đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội chiếm 0,6%, 26 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2%.  

Kế thừa những kết quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và nông thôn mới nâng cao thời gian qua, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn đang hướng tới mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, 100% đường trục xã, hơn 80% đường trục thôn và hơn 75% đường nội đồng đã được bê tông hóa đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Thái Bình cũng đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp 08 công trình thủy lợi, tỷ lệ đất trồng lúa 02 vụ được tưới tiêu chủ động đạt 100%; tỷ lệ hộ, gia đình sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng đạt 100%, xã không còn nhà tạm; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh là 1.284/1.284 hộ, đạt 100%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch là 858/1.284 hộ, đạt 67%; 100% các cơ sở chăn nuôi của người dân được xây dựng hệ thống chất thải, đồng thời các hộ dân chủ động xóa cầu tiêu ao cá, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại. Toàn xã có 1.222/1.284 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt 95,1%; có 9/9 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa, thôn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%.

Tuyến đường hoa đường tự quản.

Xác định đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là cốt lõi, nền tảng để xây dựng NTM kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền xã Thái Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch và quy hoạch sản phẩm hàng hóa chủ lực. Nổi bật trong đó là Đề án phát triển, cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao, vùng trồng nhãn tập trung với trên 140 ha trong đó gần 100 ha nhãn đang cho thu hoạch. Xã cũng đặt mục tiêu xây dựng Nhãn Bình Ca thành sản phẩm thương hiệu OCOP để tiến tới xuất khẩu ra thị trường trong nước và xa hơn là xuất khẩu ra nước ngoài. Để phát huy hiệu quả kinh tế từ cây nhãn, chính quyền xã cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, học tập mô hình trồng nhãn từ các vùng nhãn có tiếng như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương. Qua chắt lọc, các hộ trồng nhãn của xã đã lựa chọn phương thức ghép mắt bằng cành giống chất lượng cao để tăng năng suất thu hoạch cũng như chất lượng quả nhãn. Đến nay, trên 80% số cây nhãn cũ của xã đã được ghép cải tạo. Xã cũng khuyến khích bà con nông dân trồng nhãn kết hợp phát triển nghề nuôi ong lấy mật từ nguồn mật hoa nhãn dồi dào. Đến nay, tổng đàn ong trên địa bàn xã đã lên tới gần 3.000 đàn. Thương hiệu Mật ong Bình Ca đã có chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến. Với mục tiêu tăng thu nhập cho người dân, khôi phục và phát triển đa dạng giống gà bản địa, UBND xã Thái Bình cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án “Chăn nuôi gà lông màu tại xã Thái Bình” quy mô 5.000 con gà với 15 hộ tham gia. Đây là giống gà mía lai giữa gà Lương Phượng và gà Ri bản địa, chương trình được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí giống, vật tư, nhân dân đối ứng 30%. Dự án chăn nuôi gà thịt lông màu đã giúp người chăn nuôi tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, hơn nữa tiếp cận với phương pháp chăn nuôi hàng hóa và cho doanh thu, lợi nhuận cao, các hộ chăn nuôi gia đều có sổ ghi chép, theo dõi cụ thể quá trình chăm sóc, tiêm phòng thú y theo đúng quy định… Đây cũng là cơ sở để xã lựa chọn hộ gia đình điểm, quy hoạch vườn mẫu, nhà mẫu trong xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Thái Bình xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng, then chốt chính vì vậy cùng với định hướng phát triển thương hiệu cho quả nhãn xã Thái Bình cũng phát huy tốt vai trò của các hợp tác xã (HTX) trong khâu dịch vụ sản xuất điển hình là Hợp tác xã nông sản an toàn Núi Mây xã Thái Bình (Yên Sơn) đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kết nối doanh nghiệp, mang lại cho hội viên kiến thức về kỹ thuật cũng như cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng. Ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng kế hoạch để phát triển đàn dê, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăn nuôi. Vì vậy, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức những lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho các hội viên. Từ chăn nuôi dê nhỏ lẻ, thiếu an toàn về dịch bệnh đến nay các hộ đã quy tụ lại chăn nuôi tập trung với số lượng tổng đàn lên trên 400 con. Trong đó có 160 con nuôi tập trung, 270 con thực hiện chăn nuôi liên kết với các hộ gia đình trong thôn và các xã trên địa bàn huyện Yên Sơn. Từ đầu năm đến nay HTX đã xuất chuồng được trên 4 tấn thịt dê hơi. Đặc biệt HTX đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội nhận tiêu thụ sản phẩm dê với mức giá ổn định lâu dài. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu hoạt động trong lĩnh vực buôn bán thực phẩm, mua bán mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa với quy mô lên đến 1.000 đàn ong, doanh thu năm 2020 đã đạt 1,863 tỷ đồng, HTX đã xây dựng 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao (Mật ong nhãn Bình Ca và mật ong rừng Bình Ca)… Đặc biệt xã tận dụng ưu thế từ rừng, tạo động lực phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững. Qua tìm hiểu hiện xã Thái Bình có trên 1.700 ha diện tích rừng, trong đó có 100 ha rừng phòng hộ, còn lại là trên 1.600 diện tích rừng trồng. Đây là tiềm năng để xã phát triển kinh tế từ cây lâm nghiệp. Xã Thái Bình đã thực hiện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh hướng dẫn khoa khọc, kỹ thuật về phát triển rừng; vận động nhân dân đăng ký trồng rừng giống cây chất lượng cao theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến nay toàn xã có trên 120 ha rừng trồng giống chất lượng cao và có 397 ha đã đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC. Hiện nay, các bước đã được hoàn tất và đang trong thời gian chờ chuyên gia nước ngoài sang thẩm định và cấp chứng chỉ. .. Các chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Thái Bình đạt 49,32 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Văn hóa, xã hội, môi trường và các chính sách an sinh xã hội được giữ vững. Hơn 10 năm là khoảng thời gian đủ lớn, cũng đủ để khẳng định người dân giữ vai trò chủ thể, là yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khoảng thời gian đó nhân dân xã Thái Bình đã đóng góp hơn 9.879,3 triệu đồng, tham gia hàng nghìn ngày công để thực hiện nâng cấp và xây mới nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học …. trong chừng mực nào đó đã nói lên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Thái Bình.

Phát huy kết quả đã đạt được, đặc biệt là năm 2020 khi Thái Bình được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã tiếp tục đầu tư, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của Thái Bình là tiếp tục nâng chất tất cả các tiêu chí đã đạt được phấn đấu đưa xã Thái Bình đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021;  quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; đẩy mạnh cơ cấu lại tổ chức sản xuất hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững, tăng nhanh thu nhập, giảm nghèo và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. 

Cùng với hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường cũng được xã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Có được kết quả trên, là do có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị xã Thái Bình và sự chuyển biến lớn về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ chức thực hiện Chương trình, từ phải làm NTM sang thích làm NTM, đến nhu cầu, mong muốn làm NTM. Xã xác định rõ xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi hộ dân, coi đây là yếu tố cốt lõi để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, xã cũng thường xuyên tổ chức các đợt thăm quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, người dân tại các địa phương có điều kiện tương đồng, phù hợp để về vận dụng tổ chức thực hiện.

Đến nay xã Thái Bình đã hoàn thành 03/04 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu (theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ) gồm: Tiêu chí số 02 về Giáo dục - Y tế - Văn hóa; tiêu chí số 03 về Môi trường; tiêu chí số 04 về An ninh trật tự - Hành chính công, còn 01 tiêu chí chưa đạt (Sản xuất - Thu nhập - Hộ nghèo). Xã đang nghiên cứu mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch trong nhà lưới, diện tích khoảng 5.000 m2.  Để đạt được mục tiêu về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 xã Thái Bình sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, chú trọng củng cố hoạt động và thành lập mới các HTX hoạt động hiệu quả. Phát triển kinh tế bền vững và sinh thái. Tiếp tục triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nâng cao chất lượng các ngành nghề dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp,…

Có thể thấy, đổi mới tổ chức sản xuất chính là yếu tố quyết định nhằm tạo ra tiềm lực kinh tế vững chãi cho doanh nghiệp cũng như các hộ dân, từ đó thúc đẩy trở lại quá trình đầu tư xây dựng NTM. Việc giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí để đạt NTM kiểu mẫu là cả một hành trình dài với không ít khó khăn đối với một xã thuần nông như xã Thái Bình, song những thành tựu đã đạt được sẽ là điểm tựa để những bước đi tiếp theo vững vàng hơn: “Chúng tôi nhận định đây là nhiệm vụ nặng nề, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, song với tinh thần đoàn kết, vượt khó, chúng tôi tin tưởng đích NTM kiểu mẫu đang đến rất gần với đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thái Bình” - Chủ tịch xã Thái Bình Nguyễn Mạnh Dũng nói ./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục