Sức sống nông thôn mới

- 12 năm xây dựng nông thôn mới đã tạo sức sống mới ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Những công trình mới, nếp nghĩ, cách làm mới đã làm nên những vùng quê sầm uất, trù phú...

Nhựa sống ở vùng quê nghèo

Kim Quan là xã vùng sâu của huyện Yên Sơn. Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đối mặt với nhiều khó khăn, như tỷ lệ hộ nghèo cao, tập quán canh tác còn lạc hậu, môi trường sinh thái chưa được quan tâm giữ gìn... Thế nhưng, câu chuyện đó giờ đã dần bị đẩy lùi.

Chủ tịch UBND xã Kim Quan Long Đình Lương bảo, xã có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2019, bước vào giai đoạn tăng tốc để phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhiều tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đạt chuẩn theo quy định, thu nhập bình quân của xã mới chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên không vì thế mà Kim Quan chùn bước.

Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng gắn với thực hiện các tiêu chí chưa đạt; triển khai các dự án phát triển kinh tế trên cơ sở vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. 1 năm tập trung đầu tư, các tuyến đường xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa; 50% đường thôn, đường nội đồng cũng được bê tông; 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia; cơ sở vật chất trường tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Các dự án phát triển kinh tế được triển khai tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đã có 90% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người cả xã đã tăng lên 33 triệu đồng/người/năm... Nhờ đó, Kim Quan đã về đích nông thôn mới sớm hơn kế hoạch là 3 năm.

Đường hoa ở thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà (Lâm Bình).   Ảnh: Tôn Dương

Gia đình ông Bàng Minh Hạnh, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan đang làm giàu từ dự án trồng chè hữu cơ. Ông Hạnh cho biết, gia đình có 3,5 ha chè, trước gia đình trồng chè đại trà, giá trị kinh tế thấp. Năm 2019, gia đình đã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, mở ra cơ hội làm giàu từ chính cây chè. 1 kg chè hữu cơ có giá 350 nghìn đồng, cao gấp 3 lần so với trước đây.  Ông Hạnh đã liên kết với các hộ trong thôn để thành lập hợp tác xã nhằm phát triển vùng chè hữu cơ mang thương hiệu Kim Quan.

Phù Lưu (Hàm Yên) ngày trước còn nghèo nhưng giờ đây đang có sự chuyển mình rõ rệt từ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Những con đường đất đỏ ngày nào giờ được thay bằng đường nhựa, đường bê tông phẳng phiu; những ngôi nhà khang trang đua nhau mọc lên hai bên đường, xen vào đó là các vườn cam sai trĩu quả… Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới xã Phù Lưu mới chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Hạ tầng, sản xuất, mức sống người dân còn rất thấp. Bằng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự vào cuộc tích cực của người dân, Phù Lưu hôm nay đã cơ bản hoàn xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, hơn 30 km đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,7%... Nông thôn mới mang đến nhựa sống mới mạnh mẽ hơn để xã chinh phục đích nông thôn mới nâng cao trong tương lai gần.

Từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều dự án đã được triển khai, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Anh Vi Văn Hưng, thôn Tiên Quang 2, Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, năm 2017 anh tham dự án nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng với Hợp tác xã Tiến Quang với quy mô 15 - 20 con, chu kỳ nuôi 3,5 -4 tháng, trừ chi phí lãi khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/con. Anh Hưng cho rằng, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tận dụng được phụ phẩm, sử dụng hết quỹ thời gian nông nhàn tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Mục tiêu mới

Trên tinh thần “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, chặng đường 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động được tối đa nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn. Đồng thời khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng của mỗi người dân nông thôn trong việc chung tay xây dựng quê hương. Thống kê sơ bộ đã có 1.100 tỷ đồng và 60.000 m2  đất người dân nông thôn tự nguyện hiến để xây dựng các công trình, dự án.


Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Trần Quang Bắc, thôn Đồng Vịnh, 
xã Nhân Mục (Hàm Yên) cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.  Ảnh: K.T

Về những làng quê nông thôn Tuyên Quang hôm nay, không ai có thể phủ nhận sự thay đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt. Người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại.

Báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, đến nay đã có 100% số xã hoàn thành tiêu chí quy hoạch và tiêu chí lao động có việc làm; 111 xã hoàn thành tiêu chí điện và tiêu chí tổ chức sản xuất; 60 xã hoàn thành tiêu chí thu nhập; 59 xã hoàn thành tiêu chí trường học; 56 xã hoàn thành tiêu chí giao thông; 40 xã hoàn thành tiêu chí môi trường... Dự kiến đến hết năm 2020, có 47 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã.

Mục tiêu trong thời gian tới, tỉnh phấn đấu có ít nhất 1 huyện và 56% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao, trong đó có ít nhất từ 8 - 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đến năm 2025 tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2020... Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới có quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ gìn phát huy giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh khẳng định, những thành tựu đạt được trong thời gian qua là bài học quý để Tuyên Quang hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Điều này hoàn toàn thực hiện được, bởi người dân hiểu sâu sắc rằng xây dựng nông thôn mới là vì cuộc sống của chính mình, do đó mọi người đều đồng thuận, đây là nền tảng thuận lợi để tổ chức thực hiện các tiêu chí trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: Đoàn Thư/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục