Quyết tâm về đích đúng hẹn

- Cùng với các xã chưa cán đích nông thôn mới, 11 xã đăng ký về đích năm 2020 đang dồn sức thực hiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn. Giữa thời điểm vừa lao động sản xuất vừa chống dịch, nhiều phần việc đã được các địa phương thực hiện sáng tạo, với quyết tâm không trễ hẹn với kế hoạch đầu năm.

Theo Ban Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng nông thôn mới năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chính vì thế, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được tổ chức triển khai ở các xã đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, qua đó huy động được nguồn lực của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, Yên Sơn có 4 xã đăng ký về đích, gồm Tân Tiến, Tiến Bộ, Thắng Quân, Tứ Quận. Theo rà soát của Ban Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện các xã này đều đã đạt từ 12 đến 14 tiêu chí.


Anh Trần Quốc Toản, thôn Trung Tâm, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) tận dụng diện tích mặt nước
 nuôi thả cá, tăng thu nhập.

Bà Phạm Thị Thu An, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ cho biết, hiện địa phương này đang dồn sức hoàn thành các tiêu chí về giao thông, điện, trường học và môi trường. Một số tiêu chí đang tiếp tục củng cố như quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại... Tiến Bộ hiện vẫn còn 2 thôn Đèo Trám và Ngòi Cái, với 131 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia. Đây cũng là 2 thôn chưa có đường nhựa đến trung tâm thôn. Hiện, Tiến Bộ đang tập trung nguồn lực, xây dựng 10,67 km đường đến trung tâm các thôn và 9,03 km đường dây trung áp, gần 8 km đường dây hạ áp và 2 trạm biến áp để đưa điện lưới quốc gia đến với người dân. Ông Sèn Văn Nam, Trưởng thôn Đèo Trám cho biết, hiện người dân ở Đèo Trám nói riêng và Ngòi Cái nói chung đang tận dụng nguồn nước suối để xây dựng các thủy điện nhỏ lấy điện sản xuất và sinh hoạt. Hy vọng từ nay đến cuối năm, hệ thống đường giao thông đến thôn hoàn thành, hệ thống điện lưới quốc gia cũng được đưa về, cuộc sống bà con sẽ còn nhiều thay đổi hơn.

Theo bà An, hiện nay, những phần việc không phải phụ thuộc vào nguồn vốn nhà nước như môi trường, đường điện thắp sáng đường quê, các tuyến đường hoa... đang được xã và các thôn ra quân thực hiện. Đến hết tháng 7, Tiến Bộ đã xây dựng được hơn 7 km đường điện thắp sáng đường quê và 7 km đường hoa trải dài từ thôn Tân Biên 2, thôn Gia, thôn Trung Tâm, Thống Nhất, Đèo Tượng đến thôn Cả... Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng thôn Trung Tâm phấn khởi, bà con đóng góp tiền để xây dựng, lực lượng đoàn viên thanh niên của xã hỗ trợ ngày công, giờ thôn nào dọc tuyến đường này cũng đều sáng ánh đèn vào buổi đêm rồi, vừa đảm bảo an ninh, vừa thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Bí thư Đoàn xã Trần Quốc Việt cho biết, đơn vị hiện cũng đang tiếp tục vận động các nguồn tài trợ hỗ trợ thêm 2 km đường điện, đảm bảo 100% các tuyến đường ở các thôn có đường điện thắp sáng.

Thời điểm cuối tháng 6, qua rà soát, xã Thanh Tương (Na Hang) còn 8 tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định thời gian từ giờ đến hết năm không còn nhiều, xã này đã tập trung mọi nguồn lực để tăng số tiêu chí đạt chuẩn. Đến hết tháng 7, con số này đã rút ngắn lại còn 6 tiêu chí, 2 tiêu chí được Thanh Tương dồn sức thực hiện trong 1 tháng là tiêu chí điện và trường học. Trong 7 tháng, Thanh Tương đã huy động trên 4,7 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 1,5 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh và huyện trên 1,5 tỷ đồng; các nguồn vốn khác trên 235 triệu đồng và vốn nhân dân đóng góp bằng tiền và ngày công lao động trên 369 triệu đồng. Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, trong số 6 tiêu chí còn lại, gồm Cơ sở vật chất văn hóa; Nhà ở dân cư; Thu nhập; Tỷ lệ hộ nghèo; Môi trường và an toàn thực phẩm, Thanh Tương xác định những tiêu chí khó khăn nhất nhà ở dân cư, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Là bởi, những tiêu chí còn lại có thể vực lên nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, những tiêu chí này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người dân.

Thanh Tương hiện còn 129 hộ nghèo. Trong năm nay, xã phấn đấu giảm ít nhất 39 hộ nghèo để tỷ lệ hộ nghèo của xã dưới 12%. Từ nguồn vốn các Chương trình 135, nguồn vốn 30a, xã đã hỗ trợ 30 con trâu, bò sinh sản, 39 máy chế biến thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo, cận nghèo để các hộ nghèo, cận nghèo có sinh kế bền vững phát triển kinh tế. Đồng thời, Hợp tác xã liên thôn Thanh Tương xây dựng phát triển sản phẩm lợn đen theo Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm và Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Quang phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm thịt trâu bò tươi, trâu bò khô... Nhờ những chương trình này mà trong 7 tháng, Thanh Tương đã giảm được 20 hộ nghèo, còn 19 hộ nghèo, Thanh Tương đang tập trung các giải pháp hỗ trợ về phương thức sản xuất, đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12% vào cuối năm nay.

Theo Ban điều phối chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện 11 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm nay đều đang tập trung nhân lực, vật lực củng cố, hoàn thành các tiêu chí. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình trên 670 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên 136 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 277 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ gần 34 tỷ đồng và vốn do nhân dân đóng góp trên 45 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 36 xã đạt 19 tiêu chí; 16 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 67 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 5 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí.

Với tinh thần, việc dễ làm trước, khó làm sau, các xã đang tiếp tục hướng dẫn nhân dân chủ động chỉnh trang, nâng cấp nhà ở, khuôn viên, xây dựng 3 công trình vệ sinh; phát triển sản xuất, cải tạo vườn tạp thành vườn có giá trị kinh tế; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lợi thế của từng xã gắn với thị trường tiêu thụ. Mục tiêu là về đích đúng hẹn, không để nợ các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục