Tuyên Quang xác định mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2025

Ngày 20 tháng 7 năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số 410/KH-TU về việc thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Diện mạo nông thôn xã Lăng Can, huyện Lâm Bình

Theo đó, mục tiêu đề ra là tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có của địa phương, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, phấn đấu giá trị sản xuất (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 10.939 tỷ đồng (chiếm 18% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh), tăng bình quân 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng trên 60%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%); thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha/năm.

Về xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025 có trên 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí, có thêm ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Về nâng cao chất lượng đời sống cư dân nông thôn, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 53 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 2-2,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 52%.

Nhiệm vụ chính đề ra là xác định rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.


Sản phẩm nông sản hàng hóa được quan tâm phát triển

Giải pháp trọng tâm được xác định là thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của tỉnh và những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tiềm năng, lợi thế theo hướng tăng cường công nghiệp chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Phát triển chuỗi giá trị ngành hàng theo hình thức Nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ cung ứng các dịch vụ công, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường nông sản, tăng  sức cạnh tranh; thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế.

Đồng thời tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến (chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao,…); phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp;… nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Ưu tiên thu hút đầu tư đối với những doanh nghiệp có tiềm lực, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, đánh giá, điều chỉnh chính sách cho giai đoạn mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản.

Đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (như kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, gia trại…) phù hợp, hiệu quả, nhất là việc củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các hợp tác xã nông lâm nghiệp và thủy sản; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn. Xây dựng nông thôn mới gắn với yêu cầu đô thị hóa, nhất là khu vực ven trung tâm thành phố, trung tâm huyện, thị trấn. Nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của các đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, bình an, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là cấp xã và thôn, bản trong việc vận động hộ nghèo khắc phục khó khăn và xóa bỏ tư tưởng  trông chờ, ỷ lại để chủ động vươn lên thoát nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực đầu tư khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn. Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp ở nông thôn.

Nghiên cứu, xây dựng kịch bản tác động của biến đổi khí hậu ở mỗi địa phương, lựa chọn giải pháp ưu tiên để tập trung triển khai thực hiện, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường năng lực trong các hoạt động nghiên cứu, dự báo và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, sinh thái nông thôn để giảm tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.Tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua hình thức đối tác công - tư; tranh thủ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, phân loại các dự án đầu tư để có cơ chế lồng ghép và sử dụng hợp lý nguồn vốn theo từng chương trình, dự án nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội đầu tư hỗ trợ cho khu vực nông thôn.

Cũng theo nội dung kế hoạch, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức giám sát việc thực hiện theo quy định. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa nội dung kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục