Đẩy mạnh giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho người lao động

Thị trường lao động 06 tháng đầu năm 2022 đã có những chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động với vị trí và mức lương hấp dẫn. Do đó, chương trình hỗ trợ và phục hồi thị trường lao động đang được Sở Lao động TB và XH tỉnh Tuyên Quang tích cực triển khai, nhằm tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động.

Sôi động Phiên Giao dịch việc làm trường THPT ATK Tân Trào, huyện Sơn Dương

Trong 06 tháng đầu năm, thông qua 05 Phiên giao dịch việc làm tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương và huyện Yên Sơn, đã thu hút 112 lượt đơn vị doanh nghiệp, trên 5.700 lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên, trong đó nhóm ngành giầy da, lắp ráp linh kiện, kỹ sư, thợ vận hành máy… được đông đảo lực lượng lao động tham gia. Ngoài ra Sở Lao động TB và XH tỉnh còn phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 05 Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các điểm cầu cho trên 436 lao động tỉnh Tuyên Quang; tư vấn về việc làm, học nghề cho trên 16.275 lượt người lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên, đăng tải 237 lượt thông tin tuyển dụng, tuyển sinh trên website, cổng thông tin điện tử và fanpage của Trung tâm. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, ước thực hiện toàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2022 đã tạo việc làm cho 11.358 người, đạt 52,8% kế hoạch (KH) năm 2022. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, tạo việc làm cho 13.751 người, đạt 64% KH, trong đó: Việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 7.839 người, đạt 54% KH; làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 3.388 người, đạt 52,1% KH; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 131 người, đạt 27,9% KH.

Giao dịch việc làm huyện Yên Sơn 2022

Thông qua phiên giao dịch việc làm đã giải quyết được mối quan hệ cung - cầu lao động của tỉnh, người tham gia được cung cấp thông tin về thị trường lao động. Nhờ việc đổi mới linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay, số người lao động có việc làm và đi học nghề sau khi được tư vấn giới thiệu là: 623 người (Trong đó: lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp 134 người, lao động phổ thông 482 người, tham gia học nghề 07 người) đã đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức các phiên giao dịch kết nối người lao động với doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Thông qua đó đã giúp người lao động, học sinh, học viên có được những thông tin đầy đủ kịp thời nhất về thị trường lao động, giúp nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp để nâng cao thu nhập hoặc chấm dứt quãng thời gian thất nghiệp dài ngày trong mùa dịch nhờ tìm được việc làm mới phù hợp.

Riêng đối với công tác đào tạo nghề, Sở lao động – TB và XH tỉnh đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề nghiệp theo phương châm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng; triển khai phương án tổ chức điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong Doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, tập trung dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức, mở rộng dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo điều tra, lao động nông thôn đang chiếm tỷ lệ trội hơn trong cơ cấu lực lượng lao động của tỉnh. Phát huy nguồn lực này không chỉ phụ thuộc vào chính người lao động mà cần “chất xúc tác”, trong đó có đào tạo, định hướng nghề nghiệp song song với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, xác định nội dung trọng tâm là: Tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước; đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn... Kết quả 5 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 3.530 người, trong đó trình độ cao đẳng 20 người, trung cấp 190 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 3.320 người. Ước 6 tháng đầu năm là 4.500 người, trong đó trình độ cao đẳng 40 người, trung cấp 250 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 4.210 người.

Việc thị trường lao động có nhiều tín hiệu tốt, bên cạnh sự hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, một phần còn do các cơ quan chức năng đã triển khai tốt các “kịch bản” ứng phó linh hoạt. Để giải quyết tốt bài toán việc làm mới cho 21.500 người lao động theo kế hoạch, Tuyên Quang đã đặt trọng tâm nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Đầu tiên là đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường lao động. Từ đó, đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành, nghề, lĩnh vực, làm căn cứ để tổ chức đào tạo nghề cho phù hợp. Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động trênWebsite: vieclamtuyenquang.net; Cổng thông tin điện tử việc làm Việt Nam (ESIP), góp phần đẩy mạnh số hóa trong các hoạt động thông tin thị trường lao động, tạo nên môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người, hỗ trợ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, phân tích và dự báo thị trường lao động. Ngoài ra, đây cũng là kênh cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động và qua hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn về nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh các doanh nghiệp, trường nghề; tổ chức thực hiện  phiên giao dịch việc làm huyện Yên Sơn năm 2022 và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại cơ sở theo kế hoạch.

Về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề; tiếp cận với các chính sách ưu đãi nhằm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng người lao động bị thất nghiệp. Về phía người lao động, những người có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, nếu đủ điều kiện sẽ được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 trong lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tạo việc làm cho trên 110.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 72%...

Giải quyết việc làm cho lao động luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được triển khai hiệu quả trong thời gian qua như tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, thu hút đầu tư trên địa bàn… Những nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được triển khai quyết liệt là tiền đề quan trọng góp phần đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã đề ra trong năm 2022./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục