Tuyên Quang thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững

Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập…theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững là mục tiêu lớn mà Tuyên Quang đặt ra trong thời gian tới.

Định hướng, giới thiệu việc làm cho người lao động

Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có điểm tựa vươn lên, các cơ quan chức năng của Tuyên Quang luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, từ nhiều nguồn lực như ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và những chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ tại tỉnh Tuyên Quang.

Đến cuối năm 2021, tỉnh Tuyên Quang còn 213.357 hộ nghèo và hộ cận nghèo (Trong đó: Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 số hộ nghèo là 14.080 hộ, chiếm tỷ lệ 6,6%, hộ cận nghèo là 24.749 hộ, chiếm 11,6%; theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 số hộ nghèo là 50.033 hộ, chiếm 23,45%, số hộ cận nghèo là 16.749 hộ chiếm 7.85%). Năm 2022, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân trên 3%/năm. Để thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, các chính sách giảm nghèo bền vững đến người dân, nhất là người nghèo đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo.

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Tuyên Quang sẽ tập trung thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 như: Xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phổ biến, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác tiếp cận, theo dõi, hướng dẫn và trợ giúp kịp thời để người nghèo phát triển sinh kế.

Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, giảm nghèo, đã có tác động mạnh mẽ, giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện; an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 90% số thôn bản có đường giao thông nông thôn; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 100%; toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,51 tiêu chí/xã, có 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Sở Lao động - TB và XH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh Dự thảo Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025, theo đó mục tiêu của Đề án là nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên. Tỉnh phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm từ 4%/năm trở lên; đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng người có công với cách mạng; tham mưu Văn bản số 191/UBND-THVX ngày 18/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh (triển khai thực hiện Bảo hiểm y tế cho hộ gia đình theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 30/01/2021 về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Tờ trình số 26/TTr-SLĐTBXH ngày 15/3/2022 đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Tờ trình số 43/TTr-SLĐTBXH ngày 22/4/2022 đề nghị ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ, Kế hoạch số 127-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, các Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, duy trì tăng trưởng nguồn vốn tín dụng, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Gắn việc cung cấp tín dụng ưu đãi với việc hướng dẫn cách phát triển kinh tế, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các biện pháp, giải pháp tổ chức lại sản xuất, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; chú trọng thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề ở các xã, vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất và các xã xây dựng nông thôn mới; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Tích cực phối hợp tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ đối với lao động hộ nghèo đi lao động có thời hạn ở nước ngoài với thu nhập ổn định; quan tâm bố trí và thực hiện chính sách hỗ trợ ban đầu cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính; tích cực tư vấn hỗ trợ đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở các tỉnh, thành phố trong nước, 06 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức 4 Phiên giao dịch việc làm tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Tư vấn về việc làm, học nghề cho trên 11.689 lượt người lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên, đăng tải 195 lượt thông tin tuyển dụng, tuyển sinh trên website, cổng thông tin điện tử và fanpage của Trung tâm. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, ước thực hiện toàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2022 đã tạo việc làm cho 11.358 người, đạt 52,8% kế hoạch (KH) năm 2022 . Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, tạo việc làm cho 13.751 người, đạt 64% KH. Trong đó: việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 7.839 người, đạt 54% KH; làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 3.388 người, đạt 52,1% KH; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 131 người, đạt 27,9% KH.

Cùng với giải pháp cho vay vốn, các tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ trực tiếp về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, tiền mặt, nhà ở, sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với nhu cầu của từng người, gia đình, đến nay Tuyên Quang cơ bản không có trường hợp nào bị bỏ lại phía sau. 06 tháng đầu năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã rà soát các hộ gia đình có nguy cơ thiếu lương thực dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt qua đó cấp phát gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 12.438 hộ với 40.127 nhân khẩu, số gạo cấp phát là 601.905 kg gạo (15kg/khẩu). Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao 200 gói hỗ trợ đồ ấm (trị giá 500.000 đồng/gói bao gồm; 01 chăn ấm, 01 áo khoác mùa đông và 01 khăn len) cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 02 huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa; trao 50 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vươn lên học khá, giỏi trên địa bàn xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa trị giá 1.000.000 đồng/suất; trao hỗ trợ quà tặng cho 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn huyện Hàm Yên và Yên Sơn, trị giá 500.000 đồng/suất (bằng tiền mặt) (nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam); Trao 300 suất quà, trị giá 300.000 đồng/suất (bằng tiền mặt) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các huyện, thành phố; trao 30 suất quà và 02 suất trợ cấp đột xuất cho trẻ em thuộc xã Hà Lang - Chiêm Hóa, tổng trị giá 15 triệu đồng (nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh); hỗ trợ 18 trẻ em có chỉ định phẫu thuật nụ cười đi phẫu thuật đợt 1 năm 2022 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Hà Nội, theo chương trình của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, sau khám có 9 trẻ được phẫu thuật, giá trị phẫu thuật ước tính gần 80 triệu đồng; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh trao 100 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người nghèo 05 xã khu vực ATK huyện Sơn Dương.

Đặc biệt, ngày 11/5/2022, tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang phối hợp Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức lễ trao tặng nhà mẫu và hỗ trợ kinh phí 50 tỷ đồng để xây dựng 1.400 ngôi nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại các huyện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Từ sự hỗ trợ của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị tài trợ sẽ giúp tỉnh có thêm nguồn lực hoàn thành kế hoạch xóa 1.700 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trong năm 2022. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xóa 4.000 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Trên cơ sở định hướng của tỉnh, các huyện đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với đặc thù của từng địa phương, giúp người dân thoát nghèo bằng nội lực. Tuyên quang còn tiếp tục vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có người cao tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới. Trong những năm tiếp theo, dù mức chuẩn xác định hộ nghèo nâng lên, Tuyên Quang vẫn kiên trì mục tiêu cơ bản phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Để đạt được điều đó, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò các tổ chức đoàn thể các cấp đến cơ sở đối với công tác giảm nghèo; chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phát huy mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, tập trung giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng cường tính kết nối, phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn; tăng cường năng lực, tạo điều kiện để người dân và cộng đồng tham gia thực hiện, tạo việc làm công; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong tình hình thế giới có nhiều biến động: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; chiến sự Nga - Ukraine leo thang, giá dầu tăng đẩy lạm phát lên mức cao tạo hiệu ứng xấu tới tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thu nhập và mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh; Tích cực thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo; hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo, có nguy cơ trở thành hộ nghèo, cận nghèo.

Trong thời gian tới Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giảm nghèo với mục tiêu nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người dân trên địa bàn nghèo; đảm bảo công bằng và thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục