Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có bước tiến quan trọng. Có được thành quả đó là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân.

Buổi tuyên truyền công tác xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong thời gian qua tiếp tục được quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh, cùng với đổi mới về phương pháp, cách thức tuyên truyền cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong giai đoạn 2016 - 2019, các cơ quan thông tin, truyền thông đã xây dựng trên 185 chuyên đề, 50 tạp chí; trên 5.000 bài phản ánh, hơn 10.000 tin, ảnh tuyên truyền những kết quả đã đạt được, phổ biến những mô hình tiêu biểu và những cách làm hay ở các địa phương về xây dựng nông thôn mới. Tổ chức cuộc thi báo chí với chủ đề “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” với trên 800 tác phẩm dự thi. Cấp huyện đã tổ chức hàng trăm hội nghị, dựng hơn 2.500 pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; các cơ quan thông tin truyền thông đã xây dựng các phóng sự, chuyên trang về NTM; Trang thông tin điện tử (nongthonmoituyenquang.gov.vn), cổng thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh thường xuyên đưa các tin, bài, mô hình tiêu biểu, cách làm hay trong các lĩnh vực về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, văn hóa giáo dục, môi trường nông thôn.

Trao đổi về phương pháp, cách thức trong công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lương Quang Sương, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Na Hang nhấn mạnh, “qua nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ở các địa phương trên địa bàn huyện Na Hang, nhận thấy công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước và phải được triển khai theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể, phải làm thế nào để người dân hiểu, nhân dân tin, mọi người làm theo thì Chương trình mới thành công được. Đặc biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì công tác thông tin, tuyên truyền lại càng phải đa dạng, phong phú. Bên cạnh việc tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền thanh, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh không dây thì cán bộ địa phương, đảng viên, tuyên truyền viên phải thực hiện bằng hành động, việc làm cụ thể. Nói đi đôi với làm, vừa làm vừa nói, giải thích để người dân hiểu và làm theo, thông qua người có uy tín ở địa phương, cơ sở”.


Pano tuyên truyền xây dựng NTM được bố trí cùng với cổng chào tại thôn 6, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn

Trao đổi về thực trạng công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đồng chí Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết, “trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyền truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hồng Thái được đẩy mạnh, thực hiện sâu rộng ở các thôn bản và tầng lớp nhân dân. Hình thức tuyên truyền khá đa dạng, như thông qua viết bài, bản tin trên hệ thống truyền thanh xã, băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi; thông qua các cuộc họp của thôn, bản, các đoàn thể tại khu dân cư; ngay cả trong quá trình lao động, sản xuất cũng lồng ghép tuyên truyền. Đặc biệt, xã Hồng Thái, gần 100% là người dân tộc thiểu số thì công tác thông tin, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới không chỉ là vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới mà thông qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao trình độ, nhận thức và từng bước loại bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, cố hữu của người dân nơi đây”.

Từ việc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đã nhận thức đầy đủ về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện. Người dân ngày càng nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể của mình và chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2019, nhân dân chủ động đóng góp trên 410 tỷ đồng, 13.385 m2 đất và 1.100.517 ngày công để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời tích cực tham gia giữ gìn bảo vệ môi trường nông thôn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì nếp sống văn hóa, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục