Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè tạo thu nhập bền vững cho người dân

Nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây chè - một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, Tuyên Quang đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ được ứng dụng trong thực tế đã phát huy hiệu quả, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Dự án “Ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho cây chè trên địa bàn huyện Sơn Dương” được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2021. Hệ thống tưới phun mưa gồm một số thiết bị chính như: Nhà đặt máy bơm, hệ thống dây dẫn làm bằng nhựa HDPE, đầu tưới phun mưa, đường điện 3 pha. Nước được dẫn trực tiếp đến hệ thống vòi phun qua đường ống nên đã giảm thiểu tối đa việc thất thoát nước, duy trì được độ ẩm thường xuyên và hạn chế tối đa xói mòn đất. Hệ thống được lắp cố định nên đã khắc phục được nhược điểm là làm gẫy, dập búp chè trong quá trình di chuyển đường ống như cách bơm tưới thông thường.

HTX Dịch vụ sản xuất chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương là đơn vị được chọn thực hiện dự án này. Nếu như trước đây chưa có hệ thống tưới nước phun mưa tự động, cây chè chỉ cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, thì nay HTX Ngân Sơn - Trung Long đã chủ động được nguồn nước, thu hái được cả 12 tháng/năm; năng suất, chất lượng sản phẩm cũng đã được tăng lên đáng kể. Phương pháp này hiệu quả nhất đối với thời điểm ít mưa, chè trồng trên nương, đồi cao, giúp người trồng có thể chủ động về nước cũng như quá trình sinh trưởng của cây. Nhờ đó, diện tích chè cho năng suất đạt 90 - 100 tấn/ha/năm, tăng 20% năng suất; tiết kiệm 30% lượng nước tưới; giảm 30% chi phí chăm sóc, chủ động được thời gian bón phân, phun thuốc; chất lượng chè tốt và ổn định.

Bà Vũ Thị Thảo, thôn Trung Long, xã Trung Yên, Sơn Dương cho biết: Trước đây, gia đình vẫn tưới chè bằng phương pháp thủ công, sử dụng máy bơm từ giếng khoan rồi dẫn nước qua các ống nhựa mềm để phun trực tiếp lên các nương chè, rất tốn nước mà lại không đều. Từ khi áp dụng công nghệ tưới phun mưa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 2 mẫu chè của gia đình đã cho năng suất tăng gấp đôi, giá bán cũng tăng lên nhiều so với trước đây. Chè sau khi được thu hái được HTX bao tiêu đầu ra. Mỗi lứa hái của gia đình thu về trên 12 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của hệ thống tưới nước tự động tiên tiến tiết kiệm, HTX Dịch vụ sản xuất chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long cũng đã tự bỏ vốn đầu tư mở rộng thêm diện tích tưới nước tự động. Đồng thời, vận động bà con trong xã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa lên trên 20 ha. Đây là giải pháp quan trọng để HTX duy trì sản xuất chè sạch tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng đầy đủ 60 tiêu chí về sản xuất theo quy định của  Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với chất lượng, sản lượng được nâng lên đã mang lại lợi nhuận tốt hơn cho người trồng chè, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá.

Ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tại đồi chè thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long cho biết: Qua việc ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho cây chè cho thấy hệ thống tưới phun mưa đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, khắc phục những nhược điểm của phương pháp tưới thủ công trước đây. HTX cũng chủ động hơn trong sản xuất và thâm canh được vụ đông, giá bán thường cao hơn vào dịp Tết, nâng cao hiệu quả kinh tế. Năng suất tăng lên từ 25 đến 30% trên toàn bộ diện tích. Hiện nay, HTX đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới của xã Trung Yên. HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu và tập trung sản xuất chè hữu cơ, khẳng định chất lượng sản phẩm và thương hiệu chè xanh Ngân Sơn - Trung Long, phấn đấu xây dựng trở thành cơ sở đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về sản xuất chè sinh học.

Thông qua việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học và công nghệ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có địa chỉ ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu sản phẩm./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục