Tân Tiến tiến tới mục tiêu nông thôn mới nâng cao

Xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Sơn, có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, xã hội, du lịch như truyền thống văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên.... Giai đoạn từ cuối năm 1952 đến đầu năm 1954, thôn 4 xã Tân Tiến vinh dự là nơi đóng chân của trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tại đây nhiều hoạt động dạy và học của cán cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường đã được tổ chức an toàn. Tri ân những đóng góp đó, Học viện chính trị Quốc gia Hồ chí Minh đã nhận đỡ đầu xã trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Học viện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay đóng góp của nhân dân đến cuối năm 2020 xã Tân Tiến đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới và đang tiến tới mục tiêu nông thôn mới nâng cao

Trung tâm xã Tân Tiến

Trước khi triển khai xây dựng nông thôn mới Tân Tiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn. Hệ thống hạ tầng – xã hội xuống cấp, kinh tế chậm phát triển, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 7,6 triệu đồng/người/năm; xã có tới gần 50% hộ nghèo và chỉ đạt 2/19 tiêu chí nông thôn mới.

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ quan, doanh nghệp Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện, Tân Tiến đã khẩn trương kiện toàn lại Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, xây dựng kế hoạch, lập quy hoạch chung xây dựng xã, phân công và xác định thực hiện các công việc cụ thể. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động được ưu tiên lên trước.

Bằng những hình thức tuyên truyền phong phú như lồng ghép trong các buổi họp thôn, họp xã, tuyên truyền trên loa truyền thanh cơ sở, tổ chức biểu diễn văn nghệ quần chúng, những chủ trương chính sách của Đảng về nông thôn mới đã đến gần hơn với người dân giúp cho bà con hiểu và làm theo.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tân Tiến đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn của Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, UBND tỉnh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê tổng các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của xã là 126,6 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước: 73,7 tỷ đồng; Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức của Trung ương, của tỉnh, của huyện: 18,9 tỷ đồng; Vốn tín dụng: 5,4 tỷ đồng; Vốn nhân dân đóng góp: 28,6 tỷ đồng

Cùng với sự đầu tư của nhà nước, sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xác định người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới,  nhân dân trên địa bàn xã cũng đã chủ động đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng quê hương. Cụ thể, tổng nguồn lực huy động trong nhân dân đóng góp cho chương trình là trên 28,6 tỷ đồng, làm mới hàng chục km đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng, kiên cố hoá 25,9km kênh mương. Nhiều hộ dân tình nguyện hiếnđất để xây dựng đường, làm nhà văn hóa, và nhiều công trình khác.  Nhân dân trên địa bàn xã cũng đã có ý thức trong việc chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường. 

Nhân dân Tên Tiến trồng rừng phát triển kinh tế.

Song song với việc xây dựng hạ tầng, Tân Tiến cũng xác định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình, nghị quyết và kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và của huyện về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng các vườn mẫu để triển khai nhân rộng.

Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, trên 4.800 ha, các hộ nông dân ở Tân Tiến, đã đầu tư trồng rừng kinh tế mang lại nguồn thu nhập đáng kể và việc trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển kinh tế hộ một cách ổn định; đặc biệt là việc cấp chứng chỉ rừng FSC đã nâng cao giá trị sản xuất rừng trồng. Đến nay toàn xã đã có gần 100 hộ được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC với diện tích trên 400 ha, qua đó đã giúp cho người dân thuận tiện trong quản lý, khai thác và tăng thu nhập.

Tân Tiến đang hướng tới xây dựng thương hiệu Mật ong Tân Tiến.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp; xã cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các mô hình trồng cây ăn quả, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi ong lấy mật, phát triển các ngành nghề tại địa phương. Hiện nay, xã đã thành lập được  1 Chi hội nghề nghiệp “Nuôi ong mật Núi Lĩnh” và đang tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩn mật ong để nâng cao hơn nữa thu nhập cho nhân dân.

Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sự ủng hộ tích cực của bà con nhân dân, cuối năm 2020, Tân Tiến đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó có nhiều tiêu chí đạt cao, nổi bật như: 100% đường trục xã, đường ngõ xóm, đường nội đồng đã được cứng hóa; Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp; Các em học sinh được học tập trong môi trường và điều kiện tốt; 7/7 thôn đều có nhà văn hóa khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị phụ trợ; Tỉ lệ hộ nghèo 5,31%, giảm 42,72%  so với năm 2011; Thu nhập bình quân đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, tăng 34 triệu so với năm 2011; 98% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; 100% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn; Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện tốt, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Môi trường địa phương xanh – sạch – đẹp – an toàn; An ninh trật tự được đảm bảo, hệ thống chính trị xã TSVM.

Một mùa xuân mới đang về, Tân Tiến khoác lên mình tấm áo mới với diện mạo khởi sắc đã minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã. Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc  Tân Tiến đang tiếp tục các giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập để mỗi mùa xuân về người dân lại được đón năm mới trọn vẹn niềm vui trên quê hương đang chuyển mình phát triển.

 

Bài, ảnh: Đặng Huyền/yenson.tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục