Thành phố Tuyên Quang điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, thành phố Tuyên Quang là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Tuyên Quang về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, Thành ủy, UBND thành phố Tuyên Quang đã luôn chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện đời sống người dân cùng quá trình xây dựng NTM.
Người dân xã Tràng Đà tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường xây dựng NTM

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, thành phố Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thể hiện qua hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển: Hệ thống giao thông trên địa bàn được đảm bảo kết nối thông suốt từ trung tâm thành phố tới các xã, từ trung tâm xã tới các thôn, xóm. Hệ thống thủy lợi kết nối đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh. Hệ thống điện đảm bảo kỹ thuật; 100% số trường học các cấp học đạt chuẩn quốc gia;100% số xã, thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn và 100% xã được đầu tư xây dựng Trạm y tế theo quy định, hết năm 2018 05/05 xã đã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 07 trung tâm thương mại, siêu thị, 1.030 doanh nghiệp và 7.715 hộ kinh doanh cá thể. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 72,3 triệu đồng/người/năm ( thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm). Ngày 24/11/2020 UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình số 106/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định, đề nghị xét công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn. Việc hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã góp phần làm thay đổi diện mạo của quê hương thành phố Tuyên Quang, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Để có được những kết quả trên ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng của những người có uy tín trong cộng đồng.

Đồng thời, thành phố Tuyên Quang định hướng các xã tập trung xây dựng đề án, kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi với phương châm “làm từ trong đồng làm vào làng, làm từ ngõ xóm làm ra ngoài xã; ưu tiên những tiêu chí thuận lợi triển khai trước và giữ vững các tiêu chí đã đạt; lấy người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, định hướng; ưu tiên thực hiện các tiêu chí phục vụ hỗ trợ sản xuất…”

Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, duy trì thường xuyên, nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng. UBND thành phố, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên đã tích cực chỉ đạo triển khai xây dựng phong trào thi đua, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp. Người dân tích cực hiến đất đai, tài sản, đóng góp tiền, ngày công trong xây dựng nông thôn mới, thực sự là chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ; việc tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình xây dựng nông thôn mới từ thành phố đến xã đã được triển khai kịp thời nhằm học hỏi những mô hình mới, cách làm sáng tạo của các địa phương khác.

Với việc xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua Ban Thường vụ thành phố Tuyên Quang đã chỉ đạo UBND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan chuyên môn từ thành phố tới cơ sở, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia xây dựng NTM, đồng thời, các cấp, các ngành trong thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng NTM. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tính đến hết năm 2020, thành phố Tuyên Quang đã thực hiện đầu tư gần 501.183 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 90.254,5 triệu đồng; vốn lồng ghép từ chương trình, dự án: 168.476,3 triệu đồng; vốn vay tín dụng: 76.296,4 triệu đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp: 39.740,5 triệu đồng; vốn nhân dân đóng góp: 126.416,2 triệu đồng. Giai đoạn 2011-2020, kiên cố hóa 35.968m kênh mương; xây dựng 44,9 km đường trục xã; bê tông hóa 86,034 km đường trục thôn, liên thôn; ngõ xóm 90,968 km; đường nội đồng 47,75 km; xây dựng 45 nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố, lắp đặt mới 20 trạm biến áp; xây dựng mới trường Mầm non, trường Tiểu học, trường THCS xã An Khang; trường tiểu học Sơn Lạc, trường tiểu học Kim Phú, THCS Kim Phú; xây dựng 09 phòng học trường mầm non Hương Sen, nâng cấp, sửa chữa bếp ăn trường tiểu học xã Tràng Đà; xây dựng nhà Hiệu bộ trường THCS và trường Tiểu học xã Thái Long; xây dựng nhà hiệu bộ và 10 phòng học trường THCS xã Lưỡng Vượng; xây dựng nhà đa năng tại các xã An Khang, Lưỡng Vượng và Tràng Đà.… Những công trình này đã và đang giúp thay đổi diện mạo nông thôn thành phố Tuyên Quang đồng thời trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Giai đoạn 2016-2020 đã xóa 554 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% xuống còn 0,66% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều... thực hiện việc hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở đối với 315 gia đình người có công với tổng số tiền là 7,8 tỷ đồng (trong đó làm mới 78 nhà, số tiền 3,1 tỷ đồng; sửa chữa 237 nhà, số tiền 4,7 tỷ đồng); hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 158 hộ nghèo, số tiền 3,366 triệu đồng; hỗ trợ tiền điện cho 1480 lượt hộ nghèo, số tiền 851,686 triệu đồng; cấp thẻ BHYT cho 4991 người nghèo, số tiền 2488,361 triệu đồng và 892 người cận nghèo, số tiền 59,8 triệu đồng.

Xác định nông thôn mới là cuộc “cách mạng” ở nông thôn, làm thay đổi diện mạo, cuộc sống trực tiếp của nông dân, do đó người dân sẽ đóng vai trò quan trọng, là chủ thể trong cuộc “cách mạng” này. Thành ủy, UBND thành phố Tuyên Quang đã chỉ  đạo tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm “Bưởi Thái Long, Mật ong An Khang, cá Tràng Đà, Ổi Kim Phú,  gà đỏ Đồng Dầy, xã An Khang..”; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn mới theo hướng ổn định, giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hiện đại hóa. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí cấp xã, huyện NTM với phương châm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn theo định hướng bền vững.

Theo đồng chí Tô Hoàng Linh, chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM chính là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn thành phố trong hơn 10 năm qua. Trong thời gian tới thành phố Tuyên Quang tiếp tục tiến hành rà soát nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp tục khẳng định là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trong tỉnh, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân để các tầng lớp nhân dân vừa là chủ thể xây dựng, vừa là chủ thể thụ hưởng những thành quả xây dựng NTM./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục