Phát triển thương hiệu nông sản không chỉ dừng ở đăng ký nhãn hiệu

TQĐT - Tỉnh ta hiện đã có 28 sản phẩm được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, đăng ký nhãn hiệu chỉ là bước đầu còn phát triển thương hiệu để tồn tại được trong tâm trí người tiêu dùng mới là điều quan trọng.

Cán bộ dự án TNSP thăm vùng cam thôn Khuổi Lếch, xã Tân Thành (Hàm Yên). 

Câu chuyện của những “thủ lĩnh”

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng (Yên Sơn) hiện là một trong những hợp tác xã “sở hữu” nhiều nhãn hiệu sản phẩm như: Trà Bát tiên Mỹ Bằng, Gà chất lượng cao Mỹ Bằng, Táo sạch Yến Minh, Trứng gà Bùi Hùng, Khoai da xanh Đá Bàn, Ổi sạch Bến Hiên... 3 sản phẩm là Táo sạch Yến Minh, Khoai da xanh Đá Bàn, Ổi sạch Bến Hiên mới được công nhận nhãn hiệu năm nay. Riêng sản phẩm Trà Bát tiên Mỹ Bằng được công nhận nhãn hiệu từ năm 2013 và hiện đã có chỗ đứng ổn định, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 4 - 5 tấn chè khô. Đây cũng là sản phẩm duy nhất của tỉnh ta được bình chọn là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2016. 

Theo anh Hoàng Công Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng, vấn đề mà Ban quản trị Hợp tác xã khi xây dựng thương hiệu quan tâm không chỉ làm để có tiếng, mà bằng mọi cách “nuôi sống” nhãn hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường, tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ thành viên.

Hiện sản phẩm gà chất lượng cao cung cấp cho các nhà hàng trong huyện và TP Tuyên Quang; Trứng gà Bùi Hùng cung cấp cho một số trường học trên địa bàn… Để có bước đi ổn định, vững chắc hơn, mới đây Hợp tác xã đã làm việc với 2 siêu thị Mường Thanh và Vingroup tại Tuyên Quang, ký các hợp đồng về cung cấp, bao tiêu các sản phẩm của hợp tác xã. 

Xã Lực Hành được biết đến là một trong những địa phương phát triển cây dong riềng của tỉnh. Đây là lợi thế và cũng là một trong những nguyên nhân giúp Hợp tác xã sản xuất miến dong Thắng Lợi ra đời vào năm 2011.

Ông Phạm Đình Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi cho biết: Mỗi năm, Hợp tác xã tiêu thụ 1.000 tấn bột dong để chế biến ra hơn 70 tấn miến dong sạch. Sản phẩm “Miến dong sạch Hợp Thành” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; Sở Y tế xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Năm 2013, sản phẩm được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn là sản phẩm dịch vụ đạt uy tín chất lượng. 

Mục tiêu tới đây của Hợp tác xã Thắng Lợi là đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn VietGap vào trong sản xuất, để sản phẩm miến dong khi đến tay người tiêu dùng sẽ được bảo đảm tuyệt đối về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, khi áp dụng trồng dong riềng theo tiêu chuẩn, Hợp tác xã sẽ nhân rộng việc lấy củ giống để bán, việc này sẽ tăng thêm thu nhập, bảo đảm vốn điều lệ cho Hợp tác xã. Tháng 9-2016, sản phẩm miến dong Hợp Thành của Hợp tác xã Thắng Lợi được công nhận là 1 trong 68 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của cả nước năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng. 


Xã viên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hái chè.   Ảnh: Duy Hùng

Chung sức xây dựng thương hiệu

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trong số 28 sản phẩm nông sản được đăng ký nhãn hiệu, có 13 sản phẩm là nhãn hiệu tập thể, 1 sản phẩm chỉ dẫn địa lý (chủ yếu giao cho các hợp tác xã xây dựng và quản lý), còn lại là nhãn hiệu chứng nhận. Khi một sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, phải đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe như diện tích, phương pháp canh tác, đất đai, khí hậu, kỹ thuật thâm canh, chất lượng sản phẩm... Đặc biệt, sản phẩm đó phải tồn tại ở địa phương từ 25 - 30 năm. Nếu để mất thương hiệu, không chỉ thiệt hại lớn với người nông dân mà đối với cả các địa phương, hợp tác xã bảo hộ sản phẩm đó.

Trên thực tế, không ít sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, khiến sức tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp, giá trị của thương hiệu chưa cao. Đơn cử như sản phẩm Mắm cá Cổ Linh được giao cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) quản lý.

Ông Ma Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình cho biết, 2 năm nay, việc sản xuất mắm cá ruộng tại đây rất cầm chừng, mỗi năm Hợp tác xã chỉ chế biến trên dưới 30 kg cá chép để có sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ thương mại của huyện, của tỉnh và để giữ thương hiệu đã gây dựng được, việc bán thành hàng hóa gần như không có.

Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do mắm cá ruộng có mùi vị khá đặc trưng, không hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đối với một số sản phẩm còn ít, nên tại các thị trường lớn như Hà Nội không nhiều người biết đến sản phẩm này. Ngay như sản phẩm Rượu chuối Kim Bình dấu ấn trên thị trường cũng khá mờ nhạt. Hiện Hợp tác xã đang tiếp tục nghiên cứu lại các thành phần trong men lá sản xuất rượu, để đảm bảo rượu có vị thơm dịu, đặc trưng, không lẫn các tạp hương như mùi quế, hồi... 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, để hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, đơn vị phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ hướng dẫn, hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu với những sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng hội chợ trong và ngoài tỉnh để đưa những sản phẩm có thương hiệu của tỉnh đến với người tiêu dùng.

Mới đây, vào tháng 10, Ban điều phối dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phối hợp với dự án VIE/035 cũng tổ chức khóa tập huấn về Hướng dẫn xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông lâm thủy sản. 

Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó gấp nhiều lần. Để thương hiệu nông sản tỉnh ta trụ vững, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng rất lớn của các địa phương, cơ quan, ngành chức năng. Nếu thiếu sự nỗ lực, quyết tâm từ nhiều phía, thương hiệu sẽ bị vùi lấp, thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Đồng thời, sản phẩm đặc trưng văn hóa vùng miền theo đó sẽ bị quên lãng, không còn chỗ đứng trên bản đồ thương hiệu ở trong và ngoài nước. 

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt 

Tin cùng chuyên mục