Diện mạo mới trên quê hương cách mạng Tân Trào

Tháng 5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) làm Thủ đô khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Ngày 16/8/1945, từ gốc đa Tân Trào, quân giải phóng đã tiến về giải phóng Hà Nội... 75 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, nông thôn Tân Trào hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với nhiều đổi thay tích cực.

Từ xã Nông thôn mới (NTM) đầu tiên…

Tháng 8 mùa Thu, về với quê hương cách mạng Tân Trào, đi trên những con đường liên thôn, nội thôn, liên xã đã được bê tông hóa cảm nhận thật rõ những đổi thay của vùng đất này. Dừng chân tại làng Tân Lập - nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc - thấy xúc động hơn khi nhìn những ngôi nhà lịch sử vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

Nhắc lại câu chuyện năm 1945 – khi ấy làng Tân Lập có 23 hộ gia đình dân tộc Tày, nhà nào cũng được sử dụng phục vụ cho cách mạng..., thêm hiểu vì sao người dân trong làng Tân Lập ai cũng tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất có cây đa Tân Trào lịch sử. Cùng với bề dày truyền thống, người dân làng Tân Lập nay còn có thêm vinh dự được là công dân ở xã NTM đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang.


Cây chè góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào ở Tân Trào

Trong câu chuyện với lãnh đạo xã Tân Trào, được biết, sau rất nhiều cố gắng để trở thành xã NTM, đến nay, xã Tân Trào đã quy củ, khang trang hơn với tất cả các thôn đều có nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn. Cả xã không còn hộ nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát; trên 97% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia; 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia; trên 90% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 giảm còn trên 3%, hộ khá – giàu chiếm hơn 30%. Đáng ghi nhận là, từ khi trở thành xã NTM, người dân ở Tân Trào đã ý thức hơn trong việc đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Tân Trào đặt quyết tâm trở thành xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao trong những năm tới.

… đến quyết tâm xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu

Từ trụ sở UBND xã Tân Trào, di chuyển hơn 1 km là đến làng nghề chè Vĩnh Tân, thuộc thôn Vĩnh Tân. Tại đây, men qua những cung đường bê tông uốn lượn là những đồi chè xanh ngát, trải dài tít tắp. Là vùng chè nguyên liệu có bề dày gần 50 năm, trải qua bao nhọc nhằn gian khó, hợp tác xã (HTX) chè Vĩnh Tân nay đã có thể chế biến được 20 tấn chè/năm, cung cấp nhiều loại chè có giá trị kinh tế cao như: chè Bát Tiên, Ngọc Thúy, O25…

Được biết, HTX chè Vĩnh Tân chỉ là một trong những điển hình về phát triển kinh tế của Tân Trào. Ngoài HTX chè Vĩnh Tân, Tân Trào còn có HTX nông lâm nghiệp sản xuất gạo đặc sản Tân Trào, HTX nuôi ong chất lượng cao Tân Trào sản xuất mật ong và sản phẩm phấn hoa 100% từ phấn hoa thiên nhiên.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho các thành viên, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, các HTX trên còn đang góp phần tích cực giúp Tân Trào giữ vững 4 tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất…, đưa kinh tế của xã từng bước chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của từng loại sản phẩm.

Cùng với phát triển sản xuất, xã Tân Trào đã khôi phục được Làng Văn hóa Tân Lập làm du lịch homestay và đang nỗ lực triển khai du lịch trải nghiệm ở làng chè Vĩnh Tân, hồ Nà Nưa, rừng nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu. Đây được xem là cơ hội để Tân Trào phát triển du lịch, giúp người dân trong xã phát triển kinh tế tốt hơn.

Từ những kết quả đạt được, để duy trì tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng xã NTM một cách bền vững, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, Tân Trào đang triển khai hàng loạt các đề án, dự án: Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng cây ăn quả quy mô hàng hóa; phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa…

Hy vọng với quyết tâm và cố gắng không ngừng, Tân Trào sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành xã NTM kiểu mẫu của tỉnh Tuyên Quang, thực hiện tốt hơn nữa lời Bác căn dặn khi Người trở về thăm lại Tuyên Quang vào tháng 3/1961: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội…”.

Bài, ảnh: Phương Tú/Báo Công Thương Điện Tử

Tin cùng chuyên mục