Cam sành Hàm Yên: Hành trình của một thương hiệu vàng

TQĐT - Sau hàng chục năm miệt mài xây dựng thương hiệu, năm 2013, cam sành Hàm Yên đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam; được xếp hạng vào Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. Năm 2014, được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013. Năm 2015, đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Huyền thoại về cây cam sành 


Trưng bày sản phẩm cam sành tại Hội chợ Cam sành Hàm Yên lần thứ nhất. Ảnh: Trần Liên

Cây cam sành đã được trồng từ lâu trên vùng đất Hàm Yên, trong đó sớm nhất là trên đất Phù Lưu. Người dân ở đây thường quen gọi là cam làng Mường. Theo các cụ già trong làng kể lại, giống cam sành này được trồng từ rất lâu đời. Vào khoảng năm 1890, hai người dân tộc trong lúc đi bẫy thú ở núi Quan Tiên, bản Mường đã nhìn thấy một loại cây có gai nhọn, lá thơm, có một số quả đã chín vàng. Hái ăn thử thấy có mùi vị ngon và thơm mát họ bèn mang hạt về trồng ở vườn nhà. Từ đó, mọi người truyền nhau xin giống mang về nhà trồng, phát triển thành những trang trại cam rộng lớn như ngày nay. Tiếng thơm lan xa, rất nhiều người dân nơi khác đã đến lấy giống về trồng nhưng chỉ cam trồng ở Hàm Yên mới cho chất lượng ngon hơn cả. Có lẽ khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng ở đây hợp cho cam sành phát triển. Ngày nay, những vườn cam đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hàm Yên, nhiều vườn cam có doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Vì thế cam sành Hàm Yên được xem là “cây đũa vàng” cho bà con nông dân nơi đây.

Hấp thụ những tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát, trong lành từ ngọn núi Phá Phúng, cam Hàm Yên mang hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt cũng khác hẳn cam sành vùng khác. Những tép cam vàng mọng nước, thơm ngon, thanh mát nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà cả nước đều biết đến. Theo nghiên cứu, cam sành Hàm Yên là loại cam có giá trị dinh dưỡng cao, chứa trên 10% hàm lượng đường, hàm lượng vitamin C từ 40 - 90 mg/100 g cam tươi. Ngoài ra, cam sành Hàm Yên còn có các chất axit hữu cơ, trong đó có nhiều loại axit có hoạt tính sinh học cao cùng các chất khoáng và dầu thơm.

Phù Lưu, một trong những xã chiếm tới gần 1/2 sản lượng cam của cả huyện Hàm Yên vài năm trở lại đây đã “thay da đổi thịt” nhờ cây cam sành. Ông  Ma Hoa Tàm, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, hiện Phù Lưu có hơn 50 trang trại cam, diện tích trung bình từ 3 - 5 ha/1 trang trại. Số hộ dân trồng cam có thu nhập từ 300 triệu đồng/vụ trở lên có hơn 100 hộ. Cây cam sành không chỉ thay đổi đáng kể đời sống người dân sở tại, mà thay đổi cả đời sống của người dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Gia đình ông Nông Khánh Hòa từ xã Xuân Tân (Nà Hang) di dân về thôn Nà Có, xã Phù Lưu sinh sống từ cách đây chục năm. Được bà con trong vùng tư vấn, gia đình ông Hòa đã dành số tiền hỗ trợ đầu tư mua gần 7 ha cam của người dân địa phương. Mỗi năm, gia đình ông Hòa có nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ cam. Có tiền, ông Hòa và con trai tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cam sang cả thôn Nà Luộc. Hiện gần như 100% hộ tái định cư về Phù Lưu có đất trồng cam, thu nhập bình quân đầu người đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. 

Hành trình xây dựng thương hiệu

Theo UBND huyện Hàm Yên, vụ cam vừa qua, toàn huyện có 3.226 ha cam cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 44.000 tấn, doanh thu từ cam sành toàn huyện đạt trên 500 tỷ đồng. Con số này không chỉ thể hiện sự no đủ, nó còn là con số chứng minh cho nỗ lực xây dựng thương hiệu và đưa thương hiệu đến với thị trường của huyện Hàm Yên. Đặc biệt việc xây dựng và gìn giữ thương hiệu cam sành Hàm Yên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như cắt cam đến việc bảo vệ thương hiệu cam. Cứ vào vụ thu hoạch, cán bộ Trung tâm Cây ăn quả huyện lại bám về các bản, đến từng đồi cam, hướng dẫn đội quân thu hái cam cách cầm kéo, cắt từng trái cam sao cho đúng kỹ thuật, cam không bị dập nát, để hình ảnh quả cam sành Hàm Yên khi đến với người tiêu dùng vẫn mọng, đẹp, ngọt mát.  


Cán bộ Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên kiểm tra vườn cây giống.

Từ sau khi xây dựng được thương hiệu, năm 2007, UBND huyện Hàm Yên đưa cam sành đến với hầu hết các hội chợ lớn về nông nghiệp trong cả nước, từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Trong đó, khó tính nhất là thị trường TP Hồ Chí Minh. Trong suy nghĩ của người tiêu dùng miền Nam, cam vỏ vàng hoặc là cam hỏng, hoặc là cam Trung Quốc. Để chinh phục được thị trường khó tính này, UBND huyện Hàm Yên đã đưa cam sành Hàm Yên tham gia các hội chợ xúc tiến tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, phối hợp quảng bá bằng hình ảnh tại hội chợ và trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh... Chỉ sau vài năm, lượng cam tiêu thụ vào thị trường này đạt sản lượng từ 20 - 25 tấn/ngày và khu vực này trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của cam Hàm Yên. 

Từ những thị trường khó tính, tham vọng đưa cam sành Hàm Yên vào các siêu thị cũng được UBND huyện đặt ra. Từ vài tấn quả, hiện cam sành Hàm Yên có mặt tại các siêu thị với lượng tiêu thụ trên dưới 1.500 tấn/vụ, chủ yếu là các siêu thị lớn tại Hà Nội như Co.opMart, Fivimart, Metro BigC... Không chỉ chính quyền vào cuộc, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cũng tham gia vào việc đưa cam sành vào các siêu thị với những tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt về đầu vào. HTX dịch vụ Phong Lưu là HTX đầu tiên của huyện Hàm Yên đưa cam sành của các xã viên có mặt trong các siêu thị. Anh Nông Văn Nghiệp, Giám đốc HTX dịch vụ Phong Lưu chia sẻ, qua nhiều năm cùng UBND huyện đưa cam đi tiếp thị, hợp tác xã đã chủ động đưa cam đến giới thiệu với các siêu thị để chào hàng. Để đưa được cam vào siêu thị là chuyện không hề đơn giản. Tất cả mọi kinh nghiệm đều được tích cóp dần qua các năm đưa cam đi tiếp thị ngoài thị trường. Những năm đầu tiên đưa cam đến các siêu thị, hợp tác xã chỉ nghĩ đơn thuần là vận chuyển cam đến để các siêu thị đánh giá chất lượng trực tiếp mà không hề nghĩ đến chuyện chuẩn bị các giấy tờ liên quan như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm sản phẩm, tem chứng nhận... Từ 1 tấn quả đầu tiên được BigC tiêu thụ năm 2011, thì nay đã có khoảng 1.200 tấn quả có mặt tại các siêu thị Metro, Co.opMart... Tổ hợp tác sản xuất cam VietGAP, xã Yên Phú cũng đưa được 86 tấn cam tiêu thụ tại các siêu thị tại Hà Nội.                                         

Giữ gìn, bảo vệ thương hiệu

“100% người trồng cam nói không với chất bảo quản!”. Đó là khẳng định của ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên. Sự tự tin này có được là nhờ những quy chế, quy định nghiêm ngặt, mang tính bắt buộc của chính quyền, Trung tâm Cây ăn quả và cả Hội cam sành Hàm Yên đưa ra đối với người trồng cam nơi đây. Theo đó, cứ phát hiện 1 trái cam sử dụng chất bảo quản sẽ bị phạt gấp 100 lần giá trị của trái cam đó. Ông Tùng chia sẻ, từ ngày xây dựng được thương hiệu cam sành Hàm Yên, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra gắt gao trước, trong và cả sau vụ cam, đảm bảo người trồng cam không bảo quản cam bằng bất cứ hình thức nào. Cùng với kiểm tra, huyện cũng thành lập 1 tổ công tác kiểm tra dọc tuyến quốc lộ sau vụ cam để kiểm tra, tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ cam bán trên địa bàn; khuyến cáo các tiểu thương không bán cam không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng!

Năm 2014, Đề án phát triển cam sành Hàm Yên giai đoạn 2014 - 2020 được UBND tỉnh ban hành đã tạo cơ hội để cam sành Hàm Yên ngày càng phát huy giá trị. Hiện huyện đã hoàn thành xây dựng được vườn ươm đáp ứng nhu cầu sử dụng giống sạch bệnh; cùng với các bên liên quan hoàn thiện các cơ chế về nguồn vốn, chính sách hỗ trợ người trồng cam, trong đó đặc biệt ưu tiên các hộ nghèo và cận nghèo...  Bên cạnh đó, huyện thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với việc sản xuất, kinh doanh giống cam trên địa bàn huyện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh cây giống không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; tăng cường hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo nguyên tắc; kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc bảo quản cam bằng hóa chất vào thời điểm thu hoạch cam. Trong những năm tiếp theo, Hàm Yên sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay thâm canh cây cam sành, trồng mới, trồng lại, dựng kho lạnh bảo quản cam quả; cấp chứng nhận sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP cho các trang trại, tổ hợp tác. Bên cạnh các giống cam truyền thống, hiện Trung tâm Cây ăn quả huyện đã đưa vào nhiều giống cam mới như cam Valencia, cam Xã Đoài, BH 32, cam mật không hạt, cam sành không hạt... nhằm đa dạng hóa giống cam, rải vụ thu hoạch. 

Uy tín của cả thập kỷ gây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên đã tạo ra những mùa cam thơm ngọt, bảo đảm chất lượng. Bởi thế, gìn giữ thương hiệu cam sành, cũng là giữ danh dự của chính những người trồng cam Hàm Yên. 

Ông Nguyễn Năm Châu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
Nhân rộng mô hình sản xuất VietGAP
 
Năm 2015, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện Hàm Yên xây dựng 2 điểm sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 22,6 ha tại 2 xã Yên Phú và Tân Thành. Mô hình triển khai bước đầu đã đạt được hiệu quả; được người dân đăng ký nhân rộng từ 22,6 ha lên 442,1 ha. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục giao cho đơn vị theo dõi và nhân rộng mô hình sản xuất cam sành theo hướng VietGAP này.

Tạ Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên
Bảo vệ, giữ vững thương hiệu
 
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn người trồng cam tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, thì hàng năm Trung tâm đều cùng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản tỉnh, lấy các mẫu phẩm cam sành để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cam sành. Thương hiệu cam sành Hàm Yên ngày càng được củng cố trên thị trường.

Ông Trần Văn Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam
Tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ
 
Vụ cam năm 2015, công ty đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cam sành sạch VietGAP với huyện Hàm Yên và đã tiêu thụ được 100 tấn. Cây cam sành của tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Hàm Yên nói riêng đạt các yêu cầu về chất lượng tốt, nên vụ cam tới công ty tiếp tục ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam của huyện Hàm Yên. Mong rằng, huyện sẽ có thêm nhiều mô hình cam sản xuất theo hướng VietGAP để công ty có thể cung ứng nhiều sản phẩm cam chất lượng đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm tới thị trường toàn quốc.

Anh Lù Văn Giang, thôn Bản Ban, xã Phù Lưu (Hàm Yên)
Nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của cơ quan chuyên môn
 
Hơn 10 năm nay, gia đình tôi gắn bó với cây cam, từ 300 gốc cam năm 2005, đến nay tôi có trang trại cam 13 ha với 3.000 gốc. Gia đình luôn lựa chọn trồng giống cam sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao do Trung tâm Cây ăn quả của huyện Hàm Yên cung cấp. Gia đình chú trọng thực hiện chăm sóc cam theo đúng quy trình kỹ thuật và sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. 5 năm trở lại đây, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng từ bán cam.
 

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục