Về làng Hun

Dọc hai bên đường vào khu tái định cư là những ngôi nhà xây 2 tầng khang trang xen lẫn những căn nhà gỗ, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc, trồng hoa trước nhà. Con đường bê tông vào làng được vệ sinh sạch sẽ. Trước sân mỗi nhà, từng tốp từng tốp trẻ em nô đùa ríu rít hòa quyện tiếng í ới của các chị, các cô gọi nhau ra đồng thi đua lao động sản xuất đầu năm... Đó là những hình ảnh chúng tôi được chứng kiến trong ngày đầu xuân khi về làng Hun - một điểm tái định cư thuộc thôn Đóng, xã Hùng Mỹ

Cuộc sống trên quê mới

Khu tái định cư làng Hun, thôn Đóng là một trong 5 điểm tái định cư của xã Hùng Mỹ. Làng Hun có 36 hộ dân di chuyển từ xã Xuân Tân (Na Hang) vào năm 2005. Nói về người dân làng Hun, anh Ma Văn Hòa, trưởng thôn Đóng, xã Hùng Mỹ chỉ gói gọn 6 chữ: “Cần cù, năng động, đoàn kết”. Cũng giống như các điểm tái định cư khác trên địa bàn huyện, khi mới chuyển về đây tái định cư, bà con làng Hun gặp không ít khó khăn do thay đổi môi trường sống, canh tác. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, người dân làng Hun đã nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Kinh tế chính ở làng Hun là trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, chăn nuôi lợn đen, dê và cấy lúa, ngô… Toàn thôn có trên 226 ha rừng trồng, gần 200 con trâu bò, riêng làng Hun bình quân mỗi hộ có 1,7 ha rừng/hộ, 2 con trâu, bò/hộ. Ngoài 3 mùa vụ, một số người dân năng động chuyển sang nghề thương lái buôn bán lợn, số ít đi lao động tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Bà Lý Thị Mới, thôn Đóng chỉ tay về ngôi nhà 2 tầng ở đầu xóm, mỉm cười nói: “Quê cũ toàn rừng núi, quanh năm làm nương sắn, ngô không đủ ăn, đi lại đường đất. Điều kiện ở đây hơn hẳn quê cũ, có đường, có điện, nước sạch. Ở đây là đất bằng làm ăn cũng dễ hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Vợ chồng tôi chăn nuôi lợn đen, nuôi dê. Năm ngoái nhà tôi vừa bán đàn dê được vài chục triệu đồng. Nhờ chăn nuôi, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang này đấy”. 


Gia đình bà Lý Thị Mới chăn nuôi lợn đen hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Bàn Văn Tòng là một trong những hộ có kinh tế phát triển nhất nhì ở làng Hun. Anh Tòng chia sẻ: “Do mới ở riêng nên không có nhiều đất sản xuất. Cái khó ló cái khôn. Vợ chồng tôi xoay đủ nghề kiếm sống. Vợ tôi kinh doanh hàng tạp hóa, trồng rừng, nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Còn tôi chạy chợ buôn bán lợn con, lợn thịt, trâu bò. Vì vậy, thu nhập cũng ổn định”. 

Anh Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết, để giúp bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên vùng đất mới, chính quyền xã  Hùng Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, đầu năm 2019, UBND xã đã tham mưu, đề nghị huyện cấp bổ sung thêm diện tích đất để bà con xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc trâu, bò, lợn đen. Từ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng sự nỗ lực của người dân, cuộc sống của bà con đã có sự thay đổi rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm. Nhiều nhà xây cao tầng mọc lên, 100% hộ trong làng được sử dụng điện lưới, nước sạch. Tình hình an ninh trật tự đảm bảo, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao đỏ được giữ vững, phát huy. 

Đoàn kết xây dựng nông thôn mới

“Người làng Hun xây nhà không mất một đồng thuê thợ. Họ tự đổi công nhau làm. Nhà nào xây nhà, cả thôn đến giúp. Xây nhà này xong lại chuyển sang nhà khác” - đó là lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Đỗ Văn Hiếu khi nói về tinh thần đoàn kết ở làng Hun. 

Làng Hun có 100% đồng bào dân tộc Dao đỏ. Bà con ở đây có truyền thống dựng nhà gỗ 3 gian. Đến nay, đời sống nâng cao, đã có một số hộ chuyển sang xây nhà từ 1 đến 2 tầng. Để xây được cái nhà, vừa tiền công, nguyên liệu khá tốn kém, người làng Hun nghĩ ra cách tự học xây, người biết nhiều dạy người chưa biết, cứ thế đến nay đàn ông cả làng Hun đều biết xây nhà. Bởi thế, người làng Hun xây nhà chỉ mất tiền mua vật liệu, không cần phải thuê thợ. Họ tự thiết kế, tự giúp nhau xây. Đàn ông thì thiết kế, xây, lợp mái. Chị em phụ nữ hỗ trợ đào móng, phụ vữa... 


Một góc khu tái định cư làng Hun, thôn Đóng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).

Bà Lý Thị Mới chỉ ngôi nhà 2 tầng giữa làng mỉm cười, bảo: “Nhà tôi đấy, vừa xây năm kia, hết hơn 400 triệu đồng thôi. Tiền mua vật liệu, công xây thì nhà và anh em dân làng tự làm”. Vợ chồng bà Mới ở với con trai, cả hai vợ chồng anh con trai đều đi làm công nhân, cứ đến mùa xây nhà lại xin nghỉ về đi xây lấy công. Năm 2018, vợ chồng ông bà xây nhà chỉ mất tiền mua vật liệu, còn công làm anh em dân làng hỗ trợ. Ngay sát vách nhà bà Mới là ngôi nhà 2 tầng của bà Đặng Thị Đức. Cũng giống như nhà bà Mới, ngôi nhà của bà Đức cũng được xây từ sự giúp đỡ của anh em họ hàng, làng xóm. “Hễ nhà ai trong làng xây nhà, vợ chồng tôi lại đến giúp. Chồng tôi giúp xây, còn tôi phụ trộn vữa, đào móng. Vậy nên, năm ngoái nhà tôi xây nhà chỉ mất mỗi tiền mua vật liệu và tiền thuê sơn, còn công chúng tôi tự làm. Không mất tiền công, chúng tôi tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn” - bà Đức chia sẻ. Chuyện đổi công xây nhà đã tạo thành nếp trong làng. Bởi vậy, hễ nhà ai xây nhà, những nhà còn lại tự giác cắt cử người đến hộ, kể cả những người đi làm xa, họ cũng xin nghỉ về làm giúp. Cứ thế, làng Hun ngày càng có nhiều nhà xây mọc lên. 

Khi những ngôi nhà xây đẹp, khang trang mọc ngày càng nhiều lên, người làng Hun cũng quan tâm tới cảnh quan môi trường. Họ hô nhau xây tường rào, trồng hoa, treo cờ trước cổng, quét dọn đường làng sạch sẽ. Ngày 25 hàng tháng, không ai bảo ai, nhà nhà cầm chổi, cuốc ra quét, dọn đường. Việc cả làng đồng loạt tổng vệ sinh, quét dọn đường đã trở thành nếp gần một năm trở lại đây ở làng Hun. Chị Lý Thị Xuân, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đóng chia sẻ, ban đầu vận động bà con ra quét đường cũng khó khăn lắm. Mỗi nhà đều có lý do để cáo bận nhưng những người cán bộ, đảng viên không bỏ cuộc.

Song song với công tác tuyên truyền, vận động bà con, vào ngày đó, bí thư chi bộ, trưởng thôn và tất cả các cán bộ, đảng viên trong thôn ra đường quét dọn trước. Dần dần mọi người thấy được cảnh quan môi trường sạch sẽ đã làm theo. Bởi vậy, tuyến đường vào làng luôn sạch đẹp. Đi một vòng quanh bản, hình ảnh một làng Hun no ấm, văn minh đã và đang hiện hữu từng nếp nhà. Mỗi người dân ở đây hiểu rằng bên cạnh các chế độ của Đảng, Nhà nước về tái định cư, trên hết vẫn là tinh thần vươn lên chủ động xây dựng cuộc sống mới, không trông chờ ỷ lại. “An cư mới lạc nghiệp”, bà con đồng bào dân tộc Dao đỏ nơi đây tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo.  

Rời làng Hun, trong tôi vẫn nhớ như in câu nói của anh Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ: “Tôi rất thán phục sự sáng tạo, vươn lên vượt khó và tinh thần đoàn kết của bà con làng Hun. Cứ đà phát triển này, tin rằng chỉ 2, 3 năm nữa thôi, làng Hun sẽ mang một diện mạo hoàn toàn mới”.

Bài, ảnh: Bàn Thanh/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục