Sức vươn thị trấn trẻ

- Trong cái nắng đầu thu dịu nhẹ, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) căng tràn sức sống. Người dân hân hoan cho những khởi đầu mới, những bước chuyển mình thuận ý Đảng, lòng dân...

Chung sức, đồng lòng

Tháng 11-2020, Lăng Can được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V. Đến tháng 7-2021, thị trấn Lăng Can được thành lập theo Nghị quyết số 1262 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện và sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lăng Can.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thị trấn Lăng Can được đầu tư xây dựng không chỉ làm cho diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc mà đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên. Đặc biệt, công viên được đầu tư xây dựng vừa tạo mỹ quan đô thị, vừa phòng ngừa lũ lớn tràn về đã tạo nên điểm nhấn cho thị trấn. Tổng số dự án, công trình đầu tư trên địa bàn trong giai đoạn 2018 -2020 là 11 công trình, với tổng kinh phí dự toán trên 236 tỷ đồng, trong đó, người dân, doanh nghiệp đóng góp 1,5 tỷ đồng. Năm 2020, địa phương hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và rải nhựa các trục đường chính. Đầu tư nhựa hóa, bê tông các tuyến đường khu dân cư và các trục đường vào khu phố, tạo mỹ quan đô thị và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Đồng chí Trần Công Nguyên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Can cho biết, Lăng Can đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đầu tư đồng bộ từ đường phố, vỉa hè, công trình thoát nước đến hệ thống chiếu sáng, đô thị, cây xanh, mang dáng dấp của một đô thị miền núi hiện đại.


Một góc thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhân dân thị trấn Lăng Can đóng vai trò quan trọng, là nòng cốt để hoàn thành được các tiêu chí, công trình. Đã có hàng nghìn mét vuông đất, hàng nghìn ngày công lao động do nhân dân đóng góp, đi đầu là cán bộ, đảng viên. Năm 2018, thị trấn Lăng Can về đích nông thôn mới. Sự đi đầu của đảng viên đã khơi dậy nội lực trong nhân dân. Tổng diện tích đất nhân dân thị trấn Lăng Can hiến làm đường giao thông theo Chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 13,2 ha, hiến đất làm đường nội thị là hơn 5 ha.

Đồng chí Lương Minh Học, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Bản Kè đã hiến 920m2 đất làm đường để xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cho biết, đóng góp vào sự phát triển của địa phương là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi đảng viên. Đảng viên luôn là những người tiên phong đi trước, nhờ đó phong trào hiến đất làm đường của tổ dân phố đã được lan tỏa. Toàn thôn đã có 38 hộ kiến đất làm đường, góp phần giúp thị trấn hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Đánh thức tiềm năng

Là một thị trấn trẻ của huyện vùng cao Lâm Bình, Lăng Can mang trong mình giữ vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, đô thị tổng hợp của huyện. Tuy nhiên, để xây dựng một đô thị vùng cao nhưng vẫn giữ nguyên những bản sắc văn hóa là việc mà cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân cần chú trọng thực hiện. Đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Can cho biết, để xây dựng Lăng Can thành đô thị vùng cao nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa riêng trước hết cần tập trung vào 3 vấn đề chính là: Lập quy hoạch chi tiết tổng thể; giữ gìn nếp nhà sàn và những phong tục tập quán đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, khôi phục các nghề truyền thống.

Nghị quyết của Đảng bộ thị trấn khóa I, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu nhằm phát triển kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thị trấn; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Thị trấn tập trung sản xuất sản phẩm nông sản là những cây, con chủ lực, có lợi thế và là đặc sản đặc trưng gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Đảng ủy xã đề ra mục tiêu xây dựng Lăng Can có cảnh quan, không gian đẹp, đậm đà bản sắc miền núi vùng cao, con người thân thiện, giàu lòng mến khách... Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Đảng bộ xã đã tập trung xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa bằng hành động ngay từ đầu nhiệm kỳ.


Thị trấn Lăng Can phát triển nghề dệt để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 29/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa III) về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn đến năm 2025, Đảng ủy thị trấn Lăng Can đã xây dựng chương trình hành động, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Thị trấn Lăng Can đã xác định thế mạnh của mình và tập trung xây dựng, phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Hiện tại, thị trấn đang tập trung phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen tại các tổ dân phố Làng Chùa, Bản Kè, Bản Khiển, Khau Quang, Đon Bả, nhằm hoàn thành mục tiêu duy trì đàn lợn trên 1.000 con/năm. Ngoài ra, triển khai trồng lúa đặc sản để làm cốm, trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.

Xác định kinh tế du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của thị trấn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp cụ thể như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quy hoạch xây dựng làng văn hóa tại tổ dân phố Nặm Đíp; khôi phục nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày và đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm du lịch cung cấp ra thị trường; xây dựng khu dịch vụ phục vụ du lịch... Đồng chí Nguyễn Văn Nhật, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Nặm Đíp cho biết, tổ dân phố Nặm Đíp đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là những hộ làm homestay, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đầu tư cơ sở vật chất, chế biến món ăn... Ngoài ra, vận động phụ nữ tập trung khôi phục nghề dệt thổ cẩm, liên kết, thành lập Hợp tác xã Thổ Cẩm để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, đã thành lập được Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình với gần 20 thành viên tham gia. Việc thành lập hợp tác xã là cơ hội tốt để hỗ trợ nhau làm nên những sản phẩm thổ cẩm đẹp, tạo thành hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho chị em.

Một khởi đầu với sự đồng lòng, chung sức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc, chắc chắn Lăng Can sẽ có những bước chuyển mình mới, để  tương lai không xa, sẽ có một thị trấn Lăng Can hiện đại mà vẫn giữ được những bản sắc văn hóa đặc trưng.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục