Đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn

Trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp các ngành, các huyện, thành phố tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đặc biệt ở khu vực nông thôn đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thực hành modun Kỹ thuật lắp dựng copha, giàn giáo tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 01 trường Cao đẳng, 01 trường Trung cấp; 08 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 01 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, đã tuyển sinh, đào tạo cho 48.004 người, trong đó: trình độ cao đẳng 459 người, trung cấp 2.859 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 44.686 người. Kết quả đào tạo (tốt nghiệp có bằng, chứng chỉ) là 46.763 người, trong đó trình độ đào tạo: cao đẳng 300 người; trung cấp 1.305 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 45.158 người; thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề theo chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với 18.670 người lao động, số lao động học xong và tạo được việc làm đúng nghề sau đào tạo đạt 74,5%. Công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tỉnh đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 45,8% năm 2015 lên 60,3% năm 2020, trong đó qua đào tạo nghề từ 27,5% năm 2015 lên 39,1% năm 2020. Về đối tượng và ngành nghề đào tạo: trong nông nghiệp tập trung vào đào tạo lao động nông thôn thuộc các ngành nghề gắn với phát triển vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp tập trung, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản xuất theo chuỗi giá trị; trong công nghiệp, dịch vụ tập trung đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp trong tỉnh ở các ngành nghề đang có nhu cầu như điện, điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng, cơ khí, du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, y tế, may mặc... Tiếp tục đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; gắn việc tổ chức dạy nghề nông nghiệp với bồi dưỡng, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho lao động nông nghiệp; gắn kết chặt chẽ cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, tăng tỷ trọng các lớp dạy nghề phi nông nghiệp gắn với địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, xuất khẩu lao động.

Chương trình Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng dần tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ góp phần tạo việc làm cho 121.964 người, đạt 122% kế hoạch; trong đó, lao động làm việc tại tỉnh 85.302 người, đạt 116,1 % kế hoạch; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2.005 người, đạt 133,7% kế hoạch; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 34.657 người, đạt 138,6% kế hoạch. Theo số liệu cung cấp của Cục Thống kê tỉnh, năng suất lao động năm 2020 đạt 65,54 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 32,37%.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, việc hội nhập đã mở thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, tác động mạnh đến phân hóa tiền lương, thu nhập theo khu vực việc làm và ngành nghề. Xu hướng những lao động có chuyên môn kỹ thuật cao sẽ có việc làm ổn định và thu nhập cao, lao động chưa qua đào tạo hoặc tay nghề thấp sẽ thiếu việc làm, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động, nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới (lĩnh vực kỹ thuật số, lập trình, bảo vệ dữ liệu...). Các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm cũng tăng lên. Do đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần phải phát triển để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có trên địa bàn.


Thực hành sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Tân Tiến (Ảnh nguồn internet)

Nhằm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở các văn bản của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án về công tác đào tạo nghề. (Quyết định: số 1386/QĐ-UBND ngày 17/11/2018 về việc phê duyệt Dự án đầu tư ngành, nghề trọng điểm; Quyết định số 642/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 về việc phê duyệt bổ sung quy mô đầu tư nghề Công nghệ ô tô thuộc Dự án nghề trọng điểm đến năm 2020; Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 07/8/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư nghề trọng điểm đến năm 2020 của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang)

 Dạy nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động mỗi năm, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động được nâng lên. Mỗi năm đã chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật mới cho hàng ngàn lao động, đào tạo kỹ năng nghề để người lao động có cơ hội tìm được việc làm tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 9,03% vào cuối năm 2020, qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách về tình trạng nghèo giữa các khu vực, các dân tộc trong toàn tỉnh.

Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn được cải thiện đã có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 47 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đang đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Cơ cấu lao động đã có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ người có việc làm trên tổng số dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt 122/122 xã; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 122/122 xã; tỷ lệ hộ nghèo đạt 77/122 xã.

Dạy nghề cho lao động nông thôn đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện chỉ số đào tạo lao động trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo kết quả công bố năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Tuyên Quang xếp hạng thứ 31/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, điểm số của tỉnh đạt 63,46 điểm, nằm trong số các tỉnh có điểm số trung bình (tăng 01 bậc và giảm 1,67 điểm so với năm 2019). Trong 10 chỉ số thành phần năm 2020, tỉnh có 04 chỉ số tăng điểm gồm: Chi phí thời gian (tăng 0,72 điểm); Cạnh tranh bình đẳng (tăng 1,12 điểm); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,07 điểm); Đào tạo lao động (tăng 0,15 điểm) qua đó góp phần tích cực cải thiện thứ bậc cạnh tranh của tỉnh Tuyên Quang, giúp cho tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Để công tác đào tạo nghề đem lại hiệu quả thiết thực, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương trong thời gian gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trường trung cấp; trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và yêu cầu liên kết đào tạo trung cấp; bổ sung đội ngũ giáo viên, đào tạo chuyển đổi giáo viên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh liên kết đào tạo, tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình dạy nghề; đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tuyển dụng vào làm việc.

Bố trí kinh phí ngân sách tỉnh lồng ghép với kinh phí ngân sách trung ương để đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ các hoạt động dạy nghề. Khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Hỗ trợ hiệu quả cho lao động nông thôn vay vốn sau khi học nghề để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

Tăng tỷ trọng các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, tổ chức các lớp dạy nghề phi nông nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng, tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu xuất khẩu lao động; gắn đào tạo nghề nông nghiệp với các lớp bồi dưỡng chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh; yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Kết nối hiệu quả và cung cấp kịp thời thông tin thị trường lao động, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT nhằm thu hút học sinh học nghề theo mục tiêu phân luồng của tỉnh; tổ chức các hội nghị tư vấn, các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm tại các huyện, các xã nhằm kết nối thông tin tuyển dụng lao động. Kết nối hiệu quả giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục