Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến

- Bảo đảm các dự án phát triển công nghiệp chế biến hoạt động hiệu quả, tỉnh chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè, mía, gỗ rừng trồng, tạo chuỗi liên kết giá trị bền chặt giữa doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh đã triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Từ quy hoạch chung, các địa phương đã mở rộng diện tích rừng trồng, phát triển rừng trồng gỗ lớn đáp ứng nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, các nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy giấy đế Na Hang, Nhà máy Gỗ đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa) và trên 300 cơ sở chế biến gỗ trong toàn tỉnh.  Trung bình mỗi năm, tỉnh trồng mới trên 10 nghìn ha rừng, hiện toàn tỉnh đã phát triển được trên 140 nghìn ha rừng trồng, trong đó có 28 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Lợi ích từ rừng mang lại không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn cải thiện môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy phục vụ phát triển nông nghiệp.


Vườn keo của gia đình anh Nguyễn Văn Tú, thôn Đầm Hồng 1, xã Ngọc Hội liên doanh với Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa.   Ảnh: K.T    

Hiện toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đăng ký kinh doanh chế biến, tiêu thụ chè. Tổng năng lực chế biến đạt 514 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương với trên 16.850 tấn sản phẩm/năm. Bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến chè, tỉnh đã quy hoạch vùng chè trên 8 nghìn ha tập trung nhiều tại huyện Yên Sơn, Hàm Yên… Tỉnh chú trọng cải tạo, nâng cao chất lượng chè. Hiện đang thực hiện 2 dự án trồng mới, trồng lại chè năng suất cao, vùng trồng nguyên liệu cho Công ty cổ phần Chè Sông Lô và Công ty cổ phần Chè Tân Trào với tổng diện tích 890,45ha.

Thời gian qua mặc dù sản xuất mía đường gặp nhiều khó khăn nhưng cây mía vẫn là cây trồng chủ lực, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Diện tích mía toàn tỉnh đạt trên 4 nghìn ha đáp ứng nguyên liệu cho hai Nhà máy Đường Sơn Dương và Tuyên Quang. Công ty cổ phần Mía đường đang triển khai các biện pháp thâm canh tăng năng suất như trồng mía mô, trồng mía bằng phương pháp đào hố và thực hiện tưới ẩm cho mía, bảo đảm lấy năng suất bù diện tích phục vụ hoạt động của hai nhà máy, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Tỉnh đã triển khai cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, tạo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Thành Công/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục