Nhịp sống mới ở Phú Lâm

- Thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) giờ đã có điện, lại sắp có con đường mới thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, đời sống của nhân dân cũng vì thế mà ổn định, phát triển hơn…

Định cư phát triển kinh tế

Con đường dài 5 km từ trung tâm xã Bình Phú (Chiêm Hóa) vào thôn Phú Lâm (trước đây là thôn Khau Hán và thôn Lung Lừa) đang trong giai đoạn thi công nên gập ghềnh, khó đi. Ngồi sau xe của anh Đặng Văn Chu, công chức Văn hóa - Xã hội xã, anh bảo, đêm hôm trước, trời vừa có mưa, nếu không phải là người thông thuộc đường đi chắc chắn không thể chở tôi đến Phú Lâm được. Tranh thủ những đoạn đường đã được trải bê tông sạch đẹp, anh Chu chỉ cho tôi về những cánh rừng xanh đại ngàn trên 3 dãy núi cao Phiêng Pì, Phiêng Giáo, Đán Lạ được ví là “lá phổi xanh” tạo không khí mát mẻ cho Phú Lâm, nơi có độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển.

Quả thật, lên tới Phú Lâm, tiết trời như dịu lại dưới cái nắng oi cả của những ngày đầu tháng 6. Tôi cùng anh Chu và Bí thư chi bộ thôn Phú Lâm Phùng Văn Thanh đến thăm bà Triệu Thị Nhất, người cao tuổi nhất thôn để hiểu hơn về cuộc sống và con người Phú Lâm trước đây. Bà Nhất kể, những năm 80, người dân Phú Lâm sống theo hình thức du canh, du cư. Vì thiếu nước sản xuất, người dân chỉ trồng được 1 vụ lúa rồi lại di chuyển đến chỗ khác để phát nương làm rẫy, cuộc sống nay đây, mai đó bấp bênh không ổn định. Nhưng rồi được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động, thuyết phục, người dân cũng dần hiểu rõ việc di cư tự do làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Vì vậy, mọi người đã bảo nhau không di cư tự do, không đốt nương làm rẫy nữa mà định cư tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Người dân thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) giữ gìn nghề thêu truyền thống của dân tộc mình.

Thôn Phú Lâm có 102 hộ, hơn 500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, những năm trở lại đây, người dân được tiếp cận với những dự án, mô hình kinh tế theo định hướng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: phát triển và trồng nhân rộng hồng không hạt, nuôi dê vỗ béo. Hiện nay, toàn thôn có gần 300 gốc hồng, 10 mô hình nuôi dê cho thu nhập ổn định.

Cuối năm 2020, người dân trong thôn Phú Lâm được sử dụng điện lưới quốc gia. Từ đây, họ được tiếp cận nhiều hơn đến những tiến bộ khoa học trong lao động, sản xuất. Anh Triệu Văn Lai cho biết, khi có điện, anh đã đầu tư máy xay xát phục vụ người dân trong thôn. Ngoài ra, qua theo dõi ti vi, anh nhận thấy mô hình nuôi dê vỗ béo đang là hướng đi mới và phù hợp với gia đình mình. Anh đã mạnh dạn xây chuồng trại, mỗi lứa dê anh nuôi từ 30 - 40 con. Với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn. Năm 2020, thôn Phú Lâm đã giảm được 13 hộ nghèo, hiện tại còn 40 hộ nghèo.

Gìn giữ nét chung

Ông Phùng Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm cho biết, với 100% là đồng bào dân tộc Dao, trong thôn hầu hết còn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của người Dao. Đến Phú Lâm, trong không gian yên tĩnh của núi rừng, ta dễ dàng bắt gặp làn điệu Páo dung. Bà con hát Páo dung khi đi nương, trong ngày hội, khi có khách đến chơi nhà. Hát Páo dung không có nhạc cụ đệm, sự ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc của người thể hiện đã làm nên những điệu Páo dung đậm chất tình.


Anh Triệu Văn Lai, thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) đầu tư máy xay xát phục vụ nhu cầu của người dân khi có điện.

Để lưu giữ truyền lại lời Páo dung cho thế hệ trẻ, năm 2016 thôn Phú Lâm đã thành lập Câu lạc bộ hát Páo dung với 24 thành viên. Ông La Tài Vượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Páo dung cho biết, từ khi Câu lạc bộ hát Páo dung được thành lập, phong trào văn nghệ ở cơ sở đã phát triển sâu rộng. Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên để chia sẻ với nhau những làn điệu Páo dung hay. Ngoài là hạt nhân văn nghệ nòng cốt của xã, Câu lạc bộ còn tích cực đi biểu diễn ở huyện, tỉnh nhằm giao lưu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của người Dao Đỏ, huyện Chiêm Hóa. Ngoài những làn điệu Páo dung, người Phú Lâm còn được biết đến là thêu rất đẹp. Những chiếc khăn, quần áo, thắt lưng với đường nét hoa văn tỉ mỉ, tinh tế như mang cả nỗi niềm, tình cảm của người phụ nữ gửi gắm vào trang phục.

Người dân trong thôn luôn giữ mối đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, nhắc nhở nhau chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong thôn không có người vi phạm pháp luật, không có người nghiện ma túy. Các ban, ngành đoàn thể luôn phát huy tốt vai trò của mình, cùng nhau ngăn chặn thói hư tật xấu để người dân được sống trong yên bình. Những hộ nào khó khăn, đau ốm nhân dân lại huy động giúp đỡ sửa nhà, cấy lúa, trồng ngô hộ. Nhiều hộ khó khăn không sắm được tết, bà con lại đồng lòng góp gạo, góp thịt và bánh trái ủng hộ để cùng nhau đón tết vui vẻ. Tết năm 2021, Phú Lâm bừng sáng với ánh đèn điện trong mỗi nếp nhà, những bài hát, điệu múa của dân tộc vang lên rộn ràng báo hiệu cuộc sống mới hạnh phúc, đủ đầy đã đến.

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng con đường phía trước của người dân thôn Phú Lâm chắc chắn sẽ rộng mở bởi có điện, có đường và niềm tin, sự nỗ lực của người dân trong xây dựng cuộc sống mới.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục