Na Hang: Phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” tạo sức bật nông thôn mới

Thực hiện chương trình OCOP “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Na Hang phấn đấu xây dựng mỗi xã một sản phẩm chủ lực đặc trưng có thương hiệu, có giá trị. Đến nay, chương trình đang được triển khai, thực hiện và được xem là giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế ở mỗi địa phương, tạo sức bật trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Sản phầm chè Hồng Thái

Là huyện miền núi có vùng khí hậu ôn hòa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các sản phẩm đặc trưng địa phương. Thông qua chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, nhằm tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn. Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, tập trung phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phát triển các sản phẩm chủ lực ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với chế biến và tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. 

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của huyện là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với phát triển nông thôn với đô thị, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trọng tâm của chương trình “mỗi xã một sản phẩm” là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của huyện theo chuỗi giá trị, do các thành phần doanh nghiệp, hộ sản xuất và thành phần kinh tế tập thể sản xuất như HTX, tổ hợp tác thực hiện. Các sản phẩm tạo ra có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa của địa phương.

Sau gần 2 năm triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đến nay 7 sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu như:  Rau an toàn Hồng Thái, Khâu Tinh; cá đặc sản Na Hang; chè Shan tuyết; đậu xanh, Lê … 3 sản phẩm được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap rau an toàn, cá đặc sản, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ,  sản phẩm bún khô Đà Vị được công nhận sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm.  Ngoài ra còn có sản phẩm Cao chanh Khâu Tinh, lê Hồng Thái đã có tem truy xuất nguồn gốc.

Chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Bài, ảnh: Hà Huế/Nahang.tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục