Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới

Môi trường là một trong những tiêu chí cần thiết và quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy trong những năm gần đây, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được quan tâm, thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, đó là không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, giữ gìn cảnh quan nông thôn truyền thống cùng với việc hình thành các “miền quê đáng sống”, cân bằng giữa phát triển sản xuất với duy trì chất lượng và giữ gìn giá trị cảnh quan của môi trường. Đồng thời, hạn chế việc hình phát và lan rộng các khu vực ô nhiễm; kiểm soát sự phát sinh chất thải theo hướng hạn chế sử dụng ngay từ đầu vào của các quy trình sản xuất; tìm kiếm các mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, cải thiện sinh kế và thu hút hoạt động du lịch để tạo giá trị thặng dư cho vùng nông nghiệp, nông thôn; quay vòng tái đầu tư cho cảnh quan và môi trường.

 Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại xã Tứ Quận (Ảnh nguồn Internet)

Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 01 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Trong 19 tiêu chí quy định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có nói đến 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn như hiện nay, đây là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ, đây là vấn đề lớn của cả nước nhất là đối với một nước nông nghiệp, đòi hỏi ý thức cao của người dân, sự quan tâm vào quộc quyết liệt của chính quyền, kinh phí đầu tư lớn, chế tài xử lý đủ sức răn đe...

Để giải quyết vấn đề này, với hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn tích cực thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng môi trường. Từ đó, làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Điển hình đó là sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, các cấp hội nông dân trong huyện đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thành lập các câu lạc nông dân tham gia bảo vệ môi trường, mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, mô hình không đốt rơm rạ sau thu hoạch trên cánh đồng.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,… đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp người dân thấy rõ được ý nghĩa, lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Tại các địa phương, những quy định về bảo vệ môi trường được đưa vào nội quy cơ quan; quy ước, hương ước của xóm, bản, góp phần tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí về số 17 (tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm) trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tham gia tích cực bảo vệ môi trường. Một trong những tấm gương điển hình về việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đó là huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Nhận thấy lợi ích thiết thực của việc bảo vệ môi trường, thay vì vứt rác bừa bãi như trước đây, thì nay người dân đã thu gom, tiêu hủy bằng cách chôn lấp hoặc mang ra điểm tập kết. Cùng với đó, các xã, thị trấn đã tăng cường bố trí thùng đựng rác sinh hoạt ở khu dân cư, xây dựng bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại khu sản xuất. Nhiều tổ chức quần chúng như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cũng thường xuyên vận động hội viên, đoàn viên trồng hoa dọc các tuyến đường giao thông… Đặc biệt, huyện Chiêm Hóa đã thành lập được hơn 290 mô hình tự quản vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác, chống rác thải nhựa. Thông qua các tổ tự quản, người dân đã ý thức hơn việc giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước loại bỏ rác thải nhựa trong gia đình.

Theo ông Lê Hải Nam, Phó Chánh văn phòng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang: Tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày nước thế giới”, “Chống rác thải nhựa”,... thu hút đông đảo người dân tham gia. Với những hoạt động cụ thể trong bảo vệ môi trường, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn và trên 95% lượng rác thải ở đô thị đã được thu gom, xử lý; hơn 90% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh,…

Do vậy, để duy trì bền vững các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường ngay ở gia đình mình và cộng đồng dân cư. Lồng ghép nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc cây xanh tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ là nhiệm vụ của riêng các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường mà còn là sự tham gia và quan tâm chung của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và của mỗi tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân./.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục