Xây dựng nông thôn mới tại vùng khó khăn nhất của đất nước

Sáng nay (03/08), tại TP Hòa Bình đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chủ trì Hội nghị.

Khu vực miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, tổng diện tích hơn 95.000km2 (chiếm 28,75% của cả nước), dân số trung bình gần 12 triệu người (chiếm 12,93% dân số cả nước), có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, khu vực miền núi phía Bắc được chọn là khu vực đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng NTM, vì đây là vùng có ý nghĩa chiến lược đối với quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế đất nước cũng như an sinh, là vùng phên dậu của Tổ quốc về phía Tây Bắc và Đông Bắc. Bên cạnh đó, miền núi phía Bắc cũng là vùng an ninh về năng lượng, môi trường và nguồn nước quốc gia. Đặc biệt, đây là vùng có 30 dân tộc anh em sinh sống, tỷ lệ dân số người dân tộc ít người chiếm đến 60,5%.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng đánh giá rất cao sự vươn lên vượt bậc của Đảng bộ, nhân dân, chính quyền của 14 tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian qua. Cụ thể, cho đến hôm nay, các chỉ tiêu xây dựng NTM cho vùng cơ bản đã hoàn thành, các mô hình điển hình của vùng đều ở cấp độ toàn quốc, là khu vực điển hình trong thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP… “Đây là những điểm rất đáng tự hào, cho thấy sự trỗi dậy vươn lên thực hiện chương trình ở một vùng khó khăn nhất của đất nước”. – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, công tác xây dựng NTM ở khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập khi đây là vùng lõi nghèo của toàn quốc, giao thông - hạ tầng còn kém phát triển, ít doanh nghiệp đầu tư... Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đại biểu tập trung đánh giá thực chất những mặt được và chưa được, nêu nguyên nhân và đóng góp những kiến nghị để làm cơ sở xây dựng chương trình MTQG xây dựng NTM trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 06/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn NTM; 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2018 ước đạt khoảng 28 triệu đồng. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng 4%, trong đó huyện nghèo giảm 5%. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình của vùng từ 2011 - 2019 là 330.261 tỷ đồng.

Sau 9 năm triển khai, đến nay, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn và có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tình hưởng ứng. Theo số liệu điều tra của MTTQ Việt Nam, có trên 56% người dân thuộc các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc hài lòng với Chương trình và chỉ có khoảng 14% không hài lòng với Chương trình.

Nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của các địa phương khu vực miền núi phía Bắc.

Về hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, các địa phương đặc biệt chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

Cụ thể, toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000km đường giao thông nông thôn, tất cả các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện và chợ huyện được trải nhựa/hoặc bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt, sự hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối liên vùng (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hòa Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn…) đã góp phần tạo nên sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo, đấu nối liên thông. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã khu vực miền núi phía Bắc, 94,51% số thôn, bản khu vực miền núi phía Bắc có điện.

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, chuyển đổi ý thức của người dân. Cụ thể: Hầu hết các hộ dân đồng bào dân tộc không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn, tỷ lệ hộ chăn nuôi hợp vệ sinh chiếm 62,6%; Nhiều xã đã hình thành được các tổ đội, hợp tác xã thu gom rác thải sinh hoạt, nhiều địa phương đã vận động được người dân tham gia cải tạo cảnh quan môi trường sống, nhân rộng các mô hình trồng cây xanh, hoa trước cửa nhà và hai bên đường giao thông…

Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất nhằm khai thác được các thế mạnh, lợi thế khu vực, từng bước trở thành trung tâm cây ăn trái của cả nước. Các địa phương cũng chú trọng phát triển các giống cây, con đặc sản như gạo nếp Tú Lệ của Yên Bái, gạo Séng Cù của Điện Biên, hoa hồng Sapa của Lào Cai, lợn đen của đồng bào dân tộc (Phú Thọ), bò ở Hà Giang…

Chăn nuôi đã bắt đầu dịch chuyển đầu tư chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tập trung từ Đồng bằng sông Hồng lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Những vùng đất trũng ngập nước, những hồ thủy lợi, thủy điện... được người dân tận dụng để nuôi trồng các loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Đến hết năm 2018, toàn vùng có 3.371 HTX nông nghiệp, trong đó, 60,43% là các HTX hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản). Đây là hướng chuyển dịch tích cực gắn chặt chẽ hoạt động của HTX với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuyên ngành theo chuỗi giá trị, giảm bớt các HTX tổng hợp chủ yếu thực hiện dịch vụ đầu vào như trước đây.

Do sự phát triển nhanh chóng các vùng sản xuất quy mô lớn, nên nút thắt chính trong liên kết tiêu thụ nông sản là thị trường cũng ngày càng được các địa phương quan tâm.

Trong thời gian qua, các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cũng đã được đẩy mạnh, qua đó đã hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Điển hình là tỉnh Sơn La đã thu hút đầu tư khởi công 6 nhà máy chế biến nông sản.


Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương.

Miền núi phía Bắc là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tuy điều kiện mọi mặt còn khó khăn hơn các vùng khác nhưng lại giàu tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Tính đến hết tháng 06/2019 đã có 10/14 tỉnh phê duyệt đề án triển khai Chương trình OCOP với tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến 2020 là 577 sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập được hiệp hội OCOP với 93 hội viên tham gia.

Đồng thời, các địa phương cũng chủ động thu hút được nhiều doanh nghiệp phi nông nghiệp đầu tư, tạo việc làm cho lao động của địa phương và trong vùng (một số nhà máy dệt, may; Khu công nghệ cao của Tập đoàn điện tử Samsung tại Thái Nguyên…)

Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của của người dân khu vực miền núi phía Bắc ngày càng được nâng cao. Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên sự đa màu sắc và phong phú về văn hóa tinh thần của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ hiệu quả. Mặt khác, tận dụng và phát huy lợi thế này để phát triển kinh tế du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và nước ngoài.

Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng khich lệ, nhưng do là khu vực có địa hình tự nhiên rất phức tạp, chia cắt hiểm trở, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển, nên sau 9 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, kết quả đạt được của các địa phương khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức so với các vùng khác của cả nước. Vì vậy, cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện về những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới để thúc đẩy xây dựng nông thôn của vùng miền núi phía Bắc bền vững và theo kịp tiến trình của cả nước.

Bài, ảnh: Thùy Dung/Nông thôn Việt

Tin cùng chuyên mục