Thực hiện Chương trình 135 ở Long Phú (Sóc Trăng): Thúc đẩy xã nghèo đạt chuẩn nông thôn mới

Trong 9 xã và 2 thị trấn của huyện Long Phú (Sóc Trăng) thì có 3 xã và 1 thị trấn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Hiện, xã Trường Khánh đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020, các xã còn lại phấn đấu “về đích” cuối năm nay. Một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy các địa phương hoàn thiện các tiêu chí NTM chính là nhờ Chương trình 135.
Đường giao thông thuộc diện đầu tư Chương trình 135 ở xã Long Phú.

Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Long Phú, giai đoạn 2016 - 2020, huyện được bố trí 25,924 tỷ đồng thực hiện Chương trình 135. Trong đó, vốn Trung ương 19,481 tỷ đồng, vốn địa phương 6,443 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào Khmer.

Ông Thạch Chanh Cha, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Trong những năm qua, thông qua nguồn vốn phân bổ thuộc Chương trình 135, huyện triển khai đầu tư xây dựng mới 31 công trình cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng 32 công trình tại 8 xã thuộc khu vực II (5 xã) và khu vực III (3 xã). Dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình cũng đã hỗ trợ cho 438 hộ nghèo thụ hưởng với 2.550 con gà, 303 con bò thịt và bò sinh sản, 114 con dê sinh sản và 45 con lợn.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã kết hợp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) với 386 hộ được thụ hưởng, tổng kinh phí là 5,262 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp cho người dân từng bước ứng dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế.

Năm 2017, hộ bà Thạch Thị Lợi ở ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng, huyện Long Phú được hỗ trợ nguồn vốn vay 4,2 triệu đồng để đầu tư trồng nấm rơm, khổ qua và dưa chuột. Sau 1 năm làm ăn hiệu quả, bà Lợi được xét nâng vốn cho vay lên 8 triệu đồng để tiếp tục phát triển sản xuất.

“Nhờ các lần hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình tôi đã chuyển đổi mô hình trồng trọt trên 3 công (3.000m2) đất trồng lúa, sang trồng rau màu. Trung bình mỗi tháng trừ chi phí, tôi thu 3,5 - 4 triệu đồng. Cuối năm vừa rồi, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo”, bà Lợi phấn khởi nói.

Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình 135 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Long Phú. Theo số liệu của UBND huyện, so với năm 2016, tính đến đầu năm 2020, hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.377 hộ, chiếm 4,89%, giảm hơn 14%. Trong đó, đồng bào DTTS giảm 1.666 hộ tương đương 19,72%.

Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết, có thể khẳng định, mức sống của người dân vùng dự án cơ bản ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của đồng bào được phát huy, an ninh trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được ổn định. Công tác xóa đói giảm nghèo thật sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn.

“Từ những chuyển biến rõ nét, qua việc phát huy hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS đã tạo niềm tin tuyệt đối của đồng bào đối với đường lối lãnh đạo của Đảng và sự điều hành đổi mới của Nhà nước. Từ sự khởi sắc này, đã tạo đà cho các xã khó khăn có đông đồng bào DTTS về đích NTM theo lộ trình đề ra của tỉnh”, ông Nguyên khẳng định.

Bài, ảnh: H Nguyên/Baodantoc.vn

Tin cùng chuyên mục