Nông thôn kiểu Hàn Quốc: Làn gió mới thổi vào nông thôn Việt

Với trọng tâm phát huy tính tự chủ của nông dân, phong trào Saemaul Undong của Hàn Quốc được hy vọng sẽ bổ sung thêm luồng gió mới vào những hạn chế của chương trình Nông thôn mới hiện nay.

Nông thôn kiểu Hàn

Saemaul Undong là phong trào cộng đồng mới, hay phong trào làng mới, được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra từ năm 1970 để phát triển khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và đô thị để hướng đến ổn định và phát triển xã hội.

Đây được coi là chương trình phát triển toàn diện nông thôn, nhằm đưa đến sự thay đổi cho làng xóm, thông qua việc nâng cao tính trách nhiệm và lòng tự tôn của người dân.

Từ năm 2014, hơn 20 quốc gia đã yêu cầu Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm từ Saemaul Undong. Tại Việt Nam, mô hình làng thí điểm Saemaul bắt nguồn từ nhu cầu mong muốn chia sẻ kinh nghiệm khi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Hàn Quốc năm 2003. Đến năm 2004 thì bản cam kết giữa 2 quốc gia được ký kết, và triển khai thí điểm đầu tiên ở làng Lũng Văn ở tỉnh Thái Nguyên.


Việc triển khai NTM vẫn còn một số khuyết điểm cần khắc phục

Tại Việt Nam, trong 7 năm (2014 - 2021), Saemaul tiến hành 8 làng dự án, chia làm 2 giai đoạn: 2014 – 2019 (đối với 3 làng đang triển khai) và 2017 – 2012 đối với 5 làng mới. 8 làng thí điểm tập trung ở 5 tỉnh gồm: 2 ở Ninh Thuận; 2 ở Thái Nguyên; 1 ở Bắc Ninh; 1 ở Thừa Thiên - Huế và 2 ở Hậu Giang.

Theo PGS. TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phong trào Saemaul Undong có những bí quyết thành công đáng nể, khi sau 10 năm áp dụng, thu nhập khu vực nông thôn đã xấp xỉ khu vực thành thị. Đây cũng là một trong những động lực để Hàn Quốc trở thành cường quốc như hiện nay.

Phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam được triển khai toàn diện với 19 tiêu chí, đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông thôn. Nhưng thực tế, việc triển khai NTM vẫn còn một số khuyết điểm cần khắc phục, khi nhiều nơi còn chạy đua thành tích, hiệu quả đồng vốn từ nông dân chưa cao…

“Mục tiêu chính là phải nâng cao thu nhập cho nông dân, từ đó đặt ra nhu cầu xây dựng, phát triển nông thôn tương xứng, chứ không phải chạy theo tiêu chí. Nông dân phải hợp tác như thế nào, phát huy tính tự lực và sức mạnh tập thể ra sao… là điều có thể học được tinh thần Saemaul”, TS. Sen nói.

Bổ sung cho NTM

Giải thích cụ thể hơn, TS. Lee Sang Wo, Trưởng đại diện Quỹ Saemaul toàn cầu tại Việt Nam cho rằng Saemaul là một công cụ để giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường mà Hàn Quốc đang phải đối mặt xuất phát từ sự thiếu ý thức của con người với tư cách là một thành viên của cộng đồng.  

Theo đó, cách thức hoạt động của dự án là hướng dẫn nông dân học cách hợp tác với nhau trong công việc trước, rồi sau mới hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho đến hỗ trợ bao tiêu.

Tại mỗi làng sẽ có một đơn vị đại diện của Saemaul. Thông qua sự hỗ trợ của Saemaul, người dân sẽ tự bàn thảo, tự đưa ra kế hoạch với từng vấn đề mà cộng đồng mình quan tâm, đối diện. Kế hoạch của họ phải thực sự thuyết phục để có thể nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ Saemaul toàn cầu.


Phong trào Saemaul được hy vọng sẽ góp thêm làn gió mới cho phong trào xây dựng NTM

Để nông dân tự nói lên tiếng nói chính mình về lĩnh vực nào đó thì khó, nhưng nếu nhiều nhiều nông dân cùng lên tiếng thì khác. Một tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sẽ kết nối nội lực từng cá nhân.

“Tính đến nay, quỹ Saemaul đã tài trợ 2 triệu USD cho chưng trình. Dự kiến 5 năm tới, nguồn vốn sẽ lên 6,5 triệu USD. Tinh thần Saemaul là sự cạnh tranh giữa các làng để nhận được nguồn vốn tiếp theo từ Quỹ toàn cầu hoặc của Chính phủ”, TS Wo nói.

Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, Saemaul sẽ khảo sát lại, trong đó chú trọng tiêu chí vai trò của người lãnh đạo trong nỗ lực xây dựng nông thôn. Dự án làng thí điểm được thực hiện trải dài 3 miền. Theo kế hoạch của Quỹ toàn cầu, mỗi nước chỉ được chọn 8 làng. Sau khi thành công, mô hình sẽ tự lan tỏa ra các địa phương khác.

Trả lời câu hỏi về khả năng chồng lấn với chương trình NTM đang triển khai ở Việt Nam, bà Ngô Thị Phương Lan, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong cho biết đây là bổ sung cho nhau chứ không hề chồng lấn.

Tại mỗi làng đều có văn phong đại diện của Saemaul và tình nguyện viên để tổ chức kết nối hoặc sinh hoạt cộng đồng. Vì là chương trình hỗ trợ NTM, nên các hoạt động đều được bàn bạc từ Văn phòng điều phối NTM Trung Ương và trực tiếp nhất chính là các Sở NNPTNT, Phòng NNPTNT của địa phương.

“Các bên sẽ khảo sát, bàn bạc để làm việc với nông dân sao cho không dẫm đạp chức năng, nhằm hướng đến mục tiêu thu nhập nâng cao, đời sống văn hóa phong phú và người dân biết sống vì nhau”, bà Lan chia sẻ.

Diễn đàn Saemaul Quốc tế 2017 sẽ khai mạc vào ngày 23.11 tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Chương trình dự kiến sẽ có 80 khách quốc tế, 100 khách trong nước đến từ các ban ngành liên quan; cũng như đại diện 8 địa phương đang triển khai thí điểm làng Saemaul.

Diễn đàn do Trung tâm phát triển nông thôn – Saemaul Undong; Quỹ Saemaul Toàn cầu và Văn phòng Điều phối Trung ương chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM phối hợp tổ chức. Diễn đàn sẽ là dịp để chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông thôn theo mô hình NTM của Hàn Quốc và các nước trên thế giới đã thực hiện mô hình Saemaul.

Những giải pháp, hiệu quả từ những mô hình nông thôn châu Á, châu Phi cùng các góp ý cho chương trình NTM của Việt Nam cũng được đưa ra nhằm hướng đến sự phát triển bền vững cho khu vực nông thôn đặc biệt là ở ĐB.SCL.

 

Theo danviet.vn

Tin cùng chuyên mục