Lạng Sơn đề xuất hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở khu vực khó khăn

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Lạng Sơn mới có 98/181 xã được công nhận đạt chuẩn nông thông mới (NTM), chiếm tỷ lệ 54,1%. Tỉnh Lạng Sơn đã huy động, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, xã đặc biệt khó khăn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh sưu tầm

Mới đây, Đoàn công tác của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có buổi kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tại tỉnh Lạng Sơn.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2023, toàn tỉnh Lạng sơn có 98/181 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 54,1%; bình quân tiêu chí đạt 14,08 tiêu chí/xã; có 24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; TP. Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017.

Nhờ Chương trình MTQG xây dựng NTM, Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư xây dựng; kinh tế - xã hội ở nông thôn từng bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, củng cố, tạo thêm niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM.

Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu có 11 xã đạt chuẩn NTM; 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG gia xây dựng NTM chủ yếu ưu tiên cho nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 và giai đoạn 2021-2025. Do đó, nhóm các xã còn lại gặp khó khăn về nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nên cần sự hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khá lớn. Mức độ huy động đóng góp của người dân ở mức hạn chế.

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng SơnLương Trọng Quỳnh đã kiến nghị Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu, tham mưu Quốc hội, Chính phủ xem xét, có chính sách ưu tiên, tăng mức hỗ trợ các nguồn vốn trực tiếp của Chương trình xây dựng NTM cho các tỉnh khó khăn như Lạng Sơn, nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tiêu chí số 10 về thu nhập, để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. 

Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam - thành viên Tổ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 (Trưởng đoàn công tác) đánh giá cao sự linh hoạt, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM phù hợp với điều kiện kinh tế đối với tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn thời gian qua.

Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn, các sở, ban, ngành đoàn thể tiếp tục tuyên truyền vận động người dân khắc phục khó khăn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM, phát huy tối đa nội lực và tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân và cộng đồng dân cư, tạo tiền đề thực hiện tốt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo.

Đoàn công tác sẽ tiếp thu những ý kiến, đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chính phủ, các Bộ, ngành để nghiên cứu, xem xét, có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng, miền.../.

 

Thanh Trang/baokiemtoan.vn

Tin cùng chuyên mục

EMC Đã kết nối EMC