Hòa Bình đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới

Phong trào NTM ở Hòa Bình huy động được khoảng 85.000 ngày công lao động; gần 9.500 m2 đất được hiến để làm đường giao thông và các công trình hạ tầng nông thôn khác.

Phụ nữ Hòa Bình ngoài làm nông còn tham gia may mặc các mặt hàng thổ cẩm. Ảnh: Văn Việt.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Đến hết năm 2020, Hoà Bình đã có trên 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; 39 khu dân cư kiểu mẫu, 122 vườn mẫu. Cùng với đó, khoảng 57/131 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM (đạt tỷ lệ 43,5%), 10 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 64 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 15,31 tiêu chí/xã và toàn tỉnh không có xã dưới 10 tiêu chí NTM.

Nổi bật là thành phố Hoà Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018. Trong đó, huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019 và huyện Lạc Thuỷ đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Cũng trong năm 2020, phong trào thi đua “Tỉnh Hoà Bình chung sức xây dựng NTM” cũng được các cấp, các ngành, các đơn vị trong tỉnh hưởng ứng tham gia. Đặc biệt là phong trào thi đua xây dựng NTM ở các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã huy động hiến đất, ngày công, hiện vật, tiền mặt… quy đổi ra tiền được gần 300 triệu đồng. Cụ thể, phong trào huy động được khoảng 85.000 ngày công lao động; gần 9.500 m2 đất được hiến để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng nông thôn khác.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM 2020 đạt hơn 3.761,7 tỷ đồng. Trong năm qua, hệ thống hạ tầng, giao thông nông thôn tại tỉnh Hoà Bình đã có nhiều khởi sắc. Xây mới, cải tạo, nâng cấp 184 công trình đường giao thông nông thôn; cứng hóa trên 48,5 km đường giao thông nông thôn. Đề án cứng hoá đường giao thông nông thôn thực hiện cứng hoá 13,69 km; xây dựng 54 cầu, cống dân sinh thuộc dự án LRAMP.

Ngoài ra, về lưới điện nông thôn, hiện tại, hệ thống này trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Chất lượng cấp điện ổn định, người dân được hưởng giá điện theo quy định.

Theo số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Hoà Bình, trong năm 2020, Hoà Bình đã thành lập mới được khoảng trên 40 hợp tác xã (HTX). Qua đó, hoạt động sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM.

Ngoài ra, số liệu từ UBND tỉnh Hoà Bình cho thấy, đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng tăng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 34,5 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, tỉnh Hoà Bình phấn đấu duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 3%.

“Các huyện, thành phố đã huy động các nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 đang triển khai nội dung hỗ trợ phát triển mô hình và các đề án chính sách với tổng kinh phí phân bổ cho 10 huyện, thành phố 13.100 triệu đồng.

Trong đó, huyện Lương Sơn triển khai dự án cải tạo và phát triển đàn bò thịt tại 10 xã của huyện gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020 với kinh phí cấp năm 2020 là 1.208 triệu đồng; huyện Tân Lạc triển khai dự án phát triển đàn trâu tại 5 xã vùng cao với kinh phí cấp năm 2020 là 953 triệu đồng”, trích báo cáo số 354/BC-UBND của UBND tỉnh Hoà Bình.

Sở NN-PTNT cũng đã triển khai thực hiện 3 dự án liên kết theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí cấp năm 2020 là 2.027,8 triệu đồng. Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 12 dự án liên kết sản xuất sản xuất theo chuỗi giá trị tống kinh phí 16.687,121 triệu đồng tại tại Quyết định số 1598/QĐ-UBND ngày 15/7/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Về giáo dục và đào tạo, cũng theo số liệu từ UBND tỉnh Hoà Bình, 131/131 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ 100%. Trong đó: 131/131 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, đạt tỷ lệ 100%; 130/131 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên, đạt tỷ lệ 99,2%.

Ngoài ra, 1 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 chiếm 0.8% (xã Hang Kia của huyện Mai Châu); 130/131 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ 99.2%; còn 01 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 chiếm 0,8% (xã Hang Kia huyện Mai Châu). Tính đến hết năm 2020 có 130/131 xã đạt tiêu chí về Giáo dục và Đào tạo.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phong trào xây dựng NTM, hệ thống các văn bản cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đã cơ bản hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã và đang được thực hiện quyết liệt tại các địa phương. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá; công tác tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa, tăng cường hoạt động của các HTX xã nông nghiệp, nhiều hình thức liên kết sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp, vv... được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện đã góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.


Cây bưởi góp phần giúp người dân Hòa Bình tăng thu nhập. Ảnh: Văn Việt.

Phấn đấu 64 xã đạt chuẩn năm 2021

Theo kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh Hoà Bình, trong năm 2021, số tiêu chí bình quân chung của một xã là 15,5. Trong đó, các địa phương trong tỉnh cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân.

Tỉnh Hoà Bình xác định cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới, nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là vấn đề thường xuyên, liên tục. Cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhất là đối với những xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở mỗi địa phương gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.

Nâng cao chất lượng phát triển giáo dục, y tế  theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Phát triển giáo dục gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ. Đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên các cấp học. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài ở các gia đình, dòng họ, thôn, xóm, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học để xây dựng xã hội học tập.

Tỉnh Hòa Bình cũng tập trung nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh-sạch-đẹp; Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

Các đơn vị cấp huyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện Cao Phong và huyện Yên Thuỷ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2025.

Bài, ảnh: Quang Dũng-Văn Việt/Báo Nông Nghiệp

Tin cùng chuyên mục