Đồng Nai: Diện mạo nông thôn chuyển biến rõ nét

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có 133/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tiếp tục nâng cao chất lượng các xã, huyện NTM đạt chuẩn, hướng tới xây dựng NTM đi vào chiều sâu và bền vững là vấn đề đang được tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh.

Về đích sớm 2 năm so với mục tiêu

Đồng Nai được biết đến là tỉnh công nghiệp với hơn 30 khu công nghiệp, tuy nhiên có gần 80% diện tích tự nhiên (470 ngàn ha) là đất nông nghiệp với gần 2 triệu người dân sống ở vùng nông thôn, nên tỉnh luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững.


 Toàn tỉnh đã có 133/133 xã đạt chuẩn NTM 

Với tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt cao, qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đồng Nai đã đạt được những thành quả tích cực và đáng khích lệ trên tất cả các mặt, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, sản xuất nông nghiệp (SXNN) phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (KTXH) phát triển đồng bộ, kết nối khu vực trung tâm được nâng lên, hệ thống trường học cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế đạt chuẩn, môi trường sinh thái có bước cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, đến nay, tỉnh đã có 133/133 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí của tỉnh, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 11/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Năm 2019, Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (sớm hơn 2 năm so với mục tiêu ban đầu tỉnh xác định).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn những tồn tại hạn chế. Theo đó, nông nghiệp phát triển chưa thật bền vững; cơ cấu kinh tế nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa chuyển dịch chậm. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng còn thấp. Chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển chưa mạnh, thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa thật sự ổn định. Đời sống của người nông dân tuy được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với tiềm năng, nhất là đối với những hộ thu nhập chủ yếu từ SXNN thuần túy. Kết cấu hạ tầng KTXH có bước phát triển, nhưng chưa mang tính hiện đại, cảnh quan môi trường một số nơi chưa thật sự sáng – xanh – sạch – đẹp. Hoạt động hệ thống nhà văn hóa nhìn chung còn thấp. Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư còn chưa thường xuyên, kịp thời.

Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc

Xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh xây dựng NTM toàn diện trên tất cả các mặt với bước đi phù hợp. Theo đó, duy trì, giữ vững kết quả đạt chuẩn NTM của giai đoạn trước, thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM gắn với phát triển đô thị văn minh.


Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp 

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp. Theo đó, gắn chặt xây dựng NTM với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng, phát triển NTM gắn chặt với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Trong đó, công nghiệp, dịch vụ phải thực sự hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị văn minh. Xây dựng NTM gắn với giữ gìn và phát triển, phát huy bản sắc văn hóa của nông thôn nói chung và của Đồng Nai nói riêng.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Thực hiện tốt các chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, cân đối, bố trí kịp thời nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, để kích thích, huy động các nguồn vốn từ thành phần kinh tế khác tham gia thực hiện chương trình. Nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ khuyến nông; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn chặt giữa đào tạo với giải quyết việc làm cho người học. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tình hình thực hiện Chương trình NTM, nhất là đối với các xã, các huyện chậm thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Cùng với sự nỗ lực từ địa phương, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai cho rằng, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 cần định lượng rõ và phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, đối với Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 xảy ra liên tiếp, phần nào ảnh hưởng tới sản xuất và thu nhập của người dân. Do đó quy định mức thu nhập đối với vùng Đông Nam bộ ở các bộ tiêu chí chưa phù hợp. Ví dụ: Theo dự thảo của trung ương, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã đạt NTM nâng cao từ 73 triệu đồng/người/năm trở lên là quá cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh. Về Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao có tiêu chí quá cao, có tiêu chí còn thấp. Điển hình như quy định tỷ lệ người dân (nam, nữ) tham gia bảo hiểm y tế 95% là quá cao và chưa phù hợp. Trong khi đó, điều kiện huyện đạt NTM nâng cao phải có 50% số xã đạt nâng cao đề nghị nâng lên có ít nhất 60% xã đạt nâng cao.

Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định tổ chức kiểm tra sau 5 năm đạt chuẩn NTM đối với các xã. Sau đạt chuẩn phải có cơ chế kiểm tra, giám sát đủ mạnh để tiếp tục duy trì, giữ vững kết quả đạt chuẩn và thực hiện NTM nâng cao. Nội dung này phù hợp cả về mặt lý luận và thực tiễn đặt ra.

Tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu trên, địa phương sẽ thực hiện hàng loạt các giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương Điện Tử

Tin cùng chuyên mục