Đắk Lắk: Buôn làng đổi thay nhờ nông thôn mới

Sau 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) "bộ mặt" nông thôn ở Đắk Lắk đã thực sự "sáng" hơn, đời sống mọi mặt của người dân đã có nhiều thay đổi rõ nét. Đặc biệt, nhờ sự vận động tuyên truyền sâu, rộng mà ý thức của người dân đã có những chuyển biến rất rõ rệt, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình này.

Đột phá cán đích nhờ dân thuận

Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Lãnh đạo xã này cho hay, năm 2011 Hòa Đông vẫn còn là xã có rất nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng. Xã không có trường mầm non nên trẻ em phải học nhờ nhà dân hay hội trường thôn, buôn; đường giao thông nông thôn vào mùa mưa lầy lội, mùa khô lại gió bụi mịt mù. Sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa đạt hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (trên 12,8%), đặc biệt có 3 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ và 2 thôn ở xa trung tâm xã nên còn nhiều khó khăn.


Nhờ vận động tuyên truyền, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Tuy nhiên, được sự đầu tư của Trung ương, địa phương cùng nỗ lực của nhân dân, chỉ sau 4 năm Hòa Đông đã cán đích NTM. Trong tổng kinh phí 276,7 tỷ đồng thực hiện Chương trình NTM của xã, thì nguồn vốn huy động từ nhân dân đã đạt 204,4 tỷ đồng. Không chỉ thế, người dân còn đóng góp hơn 6.178 ngày công lao động, hiến hàng ngàn mét vuông đất, phá bỏ nhà, tường rào, cổng ngõ… để phục vụ việc mở rộng các tuyến đường giao thông.

Tháng 7.2015, Hòa Đông đã chính thức đạt chuẩn NTM với hệ thống giao thông được đầu tư cứng hóa hơn 90%, trường học các cấp được xây dựng đầy đủ, khang trang, số hộ nghèo giảm xuống còn 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm (tăng gấp đôi so với năm 2010), là xã dẫn đầu của tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Không nhanh như nhiều "đàn anh", xã Ea M'nang (huyện Cư M’gar) cán đích NTM vào tháng 12.2017, sau 7 năm thực hiện chương trình. Nhưng nhìn "bộ mặt" Ea M'nang có thể khẳng định xã NTM này sẽ còn nhiều bước tiến vượt bậc trong tương lai, bởi ngoài những nỗ lực của chính quyền địa phương thì ý thức của người dân nơi đây đã có những thay đổi rất lớn. Ông Võ Sỹ Tùng, Chủ tịch UBND xã Ea M'nang cho biết: “Xã có 6 dân tộc cùng sinh sống nhưng người dân rất đoàn kết. Ngoài việc tích cực đóng góp công, của để xây dựng NTM, người dân còn mạnh dạn đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Không chỉ thế, bà con đang hết sức "chăm chút" cho những thành quả đạt được. Nhờ vậy từ một xã có xuất phát điểm khá thấp, Ea M'nang đã đuổi kịp nhiều "đàn anh".

Nông thôn mới đã hiện hữu

Không chỉ ở Hòa Đông hay Ea M'nang, nếu ai đã từng đến các buôn, làng vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk cách đây chừng 5 năm, giờ trở lại chắc chắn sẽ cảm nhận được sự đổi thay rất lớn.

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: "Chương trình Mục tiêu Quốc gia NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân về xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp tỉnh. Cùng với đó, bộ máy tổ chức về công tác NTM các cấp thường xuyên được kiện toàn, đi vào hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo thực hiện Chương trình có hiệu quả hơn.


Mô hình nuôi gà của anh Lưu Văn Đức (Buôn Cuôr, xã EaMroh, Cư M'Gar) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định NTM đã trở thành hiện thực với hệ thống hạ tầng nông thôn từng bước phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất. Ở những nơi xây dựng NTM thành công, niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao".

Thật vậy, sau 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Đắk Lắk đã có 30/152 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, dự kiến sẽ tăng thêm 10 xã trong năm nay và đến năm 2020 là 61 xã, trong đó phấn đấu có từ 1 - 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tính đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 20,056 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này cũng giảm còn 18,9%, dự kiến đến cuối năm 2018 còn 16,4%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cũng đang tăng nhanh (đạt 84,6% năm 2017 và ước thực hiện năm 2018 là 88%)... Đây là những con số biết nói, chứng minh những đổi thay vượt bậc của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua.

Để nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân, tỉnh Đắk Lắk xác định yếu tố cốt lõi của Chương trình MTQG xây dựng NTM là phát triển sản xuất. Chính vì thế, những năm qua tỉnh đã xây dựng nhiều đề án, dự án phát triển kinh tế, đa phần tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước giúp người dân tiến nhanh, kịp với vùng thuận lợi.


Ở khắp nơi, người dân đã tích cực, đồng tình ủng hộ chương trình xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực.

Để phát triển sản xuất, các tiêu chí về giao thông, thủy lợi cũng được Đắk Lắk chú trọng đầu tư, vận động nhân dân chung tay xây dựng. Nhờ vậy đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 54,6% đường liên xã được nhựa hóa, bê tông xi măng; 39,56% đường thôn buôn được xây dựng khang trang; 28,18% đường ngõ xóm được cứng hóa, đạt 19,16% đường nội đồng được cứng hóa; kiên cố hóa 1.109 km/2.031,71 km kênh mương. Các công trình thủy lợi nói chung đang tưới với tổng diện tích khoảng 247.055 ha, đảm bảo tưới chủ động, ổn định cho 77,2% diện tích các loại cây trồng có nhu cầu tưới. Việc phát triển lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng được chú trọng, toàn tỉnh đã có 117/152 xã đạt tiêu chí về điện, đạt 76,9%.

Cùng với việc xây dựng hạ tầng, đầu tư các đề án, dự án để nâng cao thu nhập cho người dân, chương trình mục tiêu Quốc gia NTM Đắk Lắk cũng rất chú trọng phát triển các lĩnh vực khác. Toàn tỉnh hiện có 16.362 phòng học, trong đó có 10.030 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 61,3%, cơ bản đảm bảo số phòng học 2 ca/ngày, nâng dần số trường tiểu học học 2 buổi/ngày, không còn tình trạng học 3 ca. Việc đầu tư xây dựng trường, lớp học được thực hiện theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn Quốc gia. Các địa phương cũng như toàn ngành đều quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở các cấp học. Tính đến nay, toàn tỉnh có 404/1.024 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 39,45%, tăng 0,45% so năm 2017. Tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp học mẫu giáo (kể cả học ghép các thôn, buôn) duy trì đạt tỷ lệ 100%. Các tiêu chí khác như văn hóa, lao động có việc làm, y tế… cũng đã có từ 66 xã đến 150 xã đạt chuẩn theo quy định.

Theo danviet.vn

Tin cùng chuyên mục