Chương trình OCOP - Luồng gió mới trên các miền quê

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có đề án, kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hoá đến năm 2020 theo kế hoạch của các địa phương lên đến 3.860 sản phẩm, vượt 1,6 lần so với mục tiêu đề ra của Chương trình. Đây là những minh chứng cụ thể cho thấy sau gần 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Chương trình OCOP là động lực để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc sản truyền thống ở khu vực nông thôn.

Liên kết nhiều chiều

Mới đây, tại một hội nghị tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp vùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - người theo sát việc thực hiện Chương trình này đã bày tỏ sự vui mừng khi chia sẻ: “Giờ đi đến đâu cũng nghe nói đến chương trình OCOP”. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, rất dễ để nhận thấy ngoài vai trò cầm trịch của Bộ NN&PTNT, Chương trình OCOP còn có sự tham gia của một lực lượng hùng hậu từ các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia cũng có sự góp mặt của đại diện Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Điểm nổi bật tạo nên sức mạnh cho Chương trình chính là từ khóa “liên kết”. Bộ NN&PTNT cũng như Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã kết nối nhiều cơ quan, tổ chức như Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - VietCraft, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Tổng cục Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, Quỹ Saemaul toàn cầu SGF, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost)… tạo nên sức bật mạnh mẽ cho Chương trình OCOP với hàng loạt hoạt động thiết thực. Sau khi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động “Khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên cùng Chương trình OCOP”, nhiều Tỉnh đoàn, trường đại học đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, làm bùng lên phong trào sôi nổi trong giới trẻ. Thông qua Diễn đàn và Hội chợ quốc tế iOCOP, Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kết nối mạng lưới các quốc gia có triển khai chương trình tương tự. Phát huy thế mạnh sẵn có, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thương mại điện tử bưu chính Viettel, Công ty TNHH Lazada Việt Nam đã tiếp sức bằng cách đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử...

Ở các địa phương, tất cả các cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đều “làm OCOP”. Từ đó, thu hút được sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân… Và, chính tinh thần chung sức đồng lòng đã khiến cho Chương trình OCOP có những tác động tích cực vào phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực nông thôn.

Nâng tầm đặc sản địa phương

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương: “Triển khai Chương trình OCOP gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới là một giải pháp đúng đắn góp phần phát triển kinh tế nông thôn, hình thành các nhóm sản phẩm theo định hướng của Bộ NN&PTNT bao gồm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương”.

Trên thực tế, Chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc sản, truyền thống ở khu vực nông thôn mỗi vùng miền, như chè, dược liệu ở miền núi phía Bắc; sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ở đồng bằng sông Hồng; thuỷ sản, các loại mắm ở các tỉnh ven biển; lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long… Nhiều sản phẩm đã khẳng định được giá trị, chất lượng, “có tiếng” trên thị trường. Các chuỗi siêu thị của Tập đoàn Central Group, Aeon, Saigon Co.opmart, MegaMart Việt Nam… luôn mở rộng cửa cho sản phẩm OCOP.

Đa số các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng về doanh thu từ 10 - 40%. Một số sản phẩm từng chỉ được mua bán trong phạm vi cổng làng nay đã có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Điển hình như sản phẩm miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, đường thốt nốt của tỉnh An Giang…

Đặc biệt, không ít sản phẩm đã được chủ thể đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng để trở thành các sản phẩm quà tặng sang trọng. Đặt niềm tin vào các sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: “Sản phẩm OCOP xứng đáng làm quà tặng của đất nước gửi đến bạn bè quốc tế. Bởi vì đây là những sản phẩm nông thôn Việt Nam đảm bảo chất lượng”.

Chương trình OCOP cũng được đánh giá cao về ý nghĩa nhân văn khi góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn và các nhóm người yếu thế, ví dụ như đồng bào các tộc người thiểu số ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo khảo sát, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm đến 32,2%. Con số này cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam.

Chương trình OCOP đã thực sự tạo luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời thể hiện được sự phù hợp về định hướng, chính sách nhằm phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong phát triển sản phẩm OCOP, tới đây các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan cần đặc biệt chú trọng đến các yếu tố vùng nguyên liệu, sử dụng lao động tại chỗ, các tiêu chuẩn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bài, ảnh: Thùy Dung/Nông thôn Việt

Tin cùng chuyên mục