Thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều khu dân cư ở miền núi Quảng Ngãi đã thay đổi diện mạo (trong ảnh mô hình đường hoa ở huyện Trà Bồng) |
Tập trung nhiều nguồn lực cho miền núi
Theo ông Nguyễn Phúc Long, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Quảng Ngãi, những năm trước, nhất là giai đoạn năm 2016 – 2019, từ các nguồn lực huy động, với số tiền đạt 3.322 tỷ 363 triệu đồng, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên tập trung nguồn lực cho các xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, 100% xã vùng cao có đường ô tô đến trung tâm, nhiều công trình giao thông được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng; các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh cũng đã được đầu tư.
Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình phát triển vùng và ngân sách địa phương, các huyện miền núi Quảng Ngãi đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa. Điển hình là các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, suất đầu tư cho giao thông tăng lên hằng năm, từ đó hình thành, hoàn thiện nhiều tuyến đường huyết mạch, có tính chất chiến lược kết nối phát triển vùng.
“Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM ở các xã miền núi và vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đến nay, 09 xã được công nhận đạt chuẩn", ông Long thông tin.
Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: Thành công của huyện là đã xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng được quan tâm, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%. Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt kết quả tích cực, bình quân mỗi xã đạt 11 tiêu chí. Xã Sơn Thành hiện đã về đích xã NTM.
Mô hình nuôi bò giúp người dân miền núi Quảng Ngãi tăng thu nhập |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM Quảng Ngãi, xây dựng NTM là một chương trình lớn, nhiều nội dung, bao quát khắp tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Tuy nhiên, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện là cấp xã, cán bộ phần lớn trình độ năng lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, còn nhiều lúng túng, trong khi sự hỗ trợ của cấp trên chưa thực sự kịp thời và hiệu quả.
Một số huyện, xã thiếu tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện Chương trình, nhiều xã chưa xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, kết quả chậm chuyển biến. Phần lớn tổ chức ở cơ sở, nhất là cấp xã thôn còn mang tính hình thức, ít tổ chức họp hành, trực báo để triển khai thực hiện Chương trình.
Ngoài ra, đa số người dân trên địa bàn huyện miền núi là hộ nghèo, kinh tế thấp nên có khó khăn trong việc huy động đóng góp kinh phí thực hiện chương trình. Nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước, chưa thực sự nỗ lực vươn lên; tỉ lệ hộ nghèo còn khá cao.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống người dân qua khá nhiều chương trình, dự án, song thực sự vẫn chưa có nhiều thay đổi trong tập quán canh tác sản xuất của bà con; tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp vẫn tồn tại nhiều; đời sống khó khăn nên việc huy động đóng góp của người dân cho xây dựng NTM rất hạn chế…
Dự kiến, đến năm 2025, Quảng Ngãi có khoảng 20 - 25% tổng số xã, thôn vùng miền núi DTTS đạt chuẩn xã NTM, thôn NTM; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Theo ông Nguyễn Phúc Long, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Quảng Ngãi, để đạt được mục tiêu trên, cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu trong các hoạt động, phong trào để tạo sức lan tỏa trong Nhân dân; tiếp tục huy động mọi nguồn lực với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp tích cực của nhân dân để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các chuỗi liên kết, thực hiện chương trình OCOP để nâng cao thu nhập cho người dân.