Chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhờ quan tâm, đầu tư hỗ trợ từ Nhà nước và sự chung tay, góp sức của nhân dân, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của Bắc Kạn đã có những chuyển biến rõ nét.
Tuyến đường nông thôn mới tại xã Tân Tú (Bạch Thông).

Là tỉnh miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở vào nhóm cao của cả nước, xuất phát điểm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Bắc Kạn rất thấp. Địa hình nhiều núi cao, sông suối, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa ở các xã còn thiếu và xuống cấp, trong khi nguồn lực đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào sự điều tiết từ ngân sách trung ương. Chính vì vậy, cơ sở hạ tầng kinh kế - xã hội nông thôn luôn được xác định là nhóm tiêu chí khó đối với tỉnh.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, góp phần thay đổi diện mạo các xã, thôn, thị trấn trên địa bàn, giai đoạn 2011 – 2019, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, dành nguồn lực xây mới, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục điện, đường, trường, trạm... Để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, tỉnh tập trung các nguồn lực từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân và cộng đồng... Nhờ đó, hệ thống giao thông đường bộ, điện, hệ thống kênh mương thủy lợi ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được đầu tư, hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đến nay, 100% xã trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ nhựa hóa đường từ trung tâm xã đến đường huyện đạt 79,24%; tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn trên toàn tỉnh đã được cứng hóa chiếm trên 34%; đường ngõ, xóm được cứng hóa khoảng 15%; đường trục chính nội đồng cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện chiếm 6,26%... Hệ thống thủy lợi được đầu tư theo hướng đồng bộ, đa mục tiêu với khoảng 50% tổng số chiều dài kênh mương được kiên cố hóa, 86% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo nước tưới tiêu. Hệ thống điện được tỉnh đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp, phục vụ tốt sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, 100% xã có điện sinh hoạt, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn đạt hơn 97%. Cùng với đó, hệ thống trường lớp, thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được tỉnh đầu tư phát triển ngày càng khang trang, sạch đẹp…

Toàn tỉnh hiện có 35 xã đạt tiêu chí giao thông; 104 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 85 xã đạt tiêu chí điện; 27 xã đạt tiêu chí trường học; 23 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 95 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 82 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông; 54 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư. Nhờ có sự đầu tư của nhà nước, nhất là sự đóng góp tích cực của người dân, diện mạo nông thôn Bắc Kạn được đổi thay rõ rệt. Các công trình, dự án thuộc Chương trình MTQG đã khuyến khích, thu hút người dân tham gia nhiệt tình từ khâu lập kế hoạch, tổ chức triển khai đến kiểm tra, giám sát và quản lý sử dụng công trình.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục huy động, lồng ghép, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở khu vực nông thôn. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng đối với các xã nông thôn mới nâng cao, các xã đặc biệt khó khăn, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản, từng bước hoàn thiện các tiêu chí thôn nông thôn mới, xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao./.

Bài, ảnh: Lê Trang/Báo Bắc Kạn

Tin cùng chuyên mục