Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030

Để tiếp tục tăng cường công tác củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 517/QĐ-UBND ngày 30/8/2021.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản và thực phẩm của Hợp tác xã nông sản an toàn Tâm Hương

Theo nội dung Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 517/QĐ-UBND, tỉnh Tuyên Quang xác định mục tiêu đến năm 2025: (1) Toàn tỉnh có trên 500 hợp tác xã, thành lập mới trên 120 hợp tác xã (trong đó thành lập mới trên 80 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản), với trên 12.000 thành viên; có trên 50 tổ hợp tác, với trên 150 thành viên, khuyến khích các tổ hợp tác đủ điều kiện thành lập hợp tác xã; (2) Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh (đối với hợp tác xã nông nghiệp đạt loại tốt, khá chiếm trên 80% tổng số hợp tác xã nông nghiệp); (3) Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 20%; (4) Xây dựng từ 03 mô hình hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả trở lên để thực hiện thí điểm theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; (5) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 có trên 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; (6) Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu đến năm 2025 có trên 35% hợp tác xã nông nghiệp có hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; (7) Đến hết năm 2022 hoàn thành xử lý giải quyết dứt điểm 123 hợp tác xã yếu kém, đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đề ra mục tiêu định hướng đến năm 2030:  (1) Toàn tỉnh có trên 600 hợp tác xã, với trên 12.800 thành viên; có trên 100 tổ hợp tác, với trên 300 thành viên, khuyến khích các tổ hợp tác đủ điều kiện thành lập hợp tác xã; (2) Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên trên tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc; (3) Phấn đấu đến năm 2030 có trên 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; (4) Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, đến năm 2030 có trên 50% hợp tác xã nông nghiệp có hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; (5) 100% hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Cũng theo nội dung Đề án, giai đoạn đến năm 2030 định hướng phát triển kinh tế tập thể bền vững, nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, trong đó ưu tiên phát triển các mô hình gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh, chương trình OCOP…; khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; tăng cường sự liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Ưu tiên phát triển theo 05 lĩnh vực: Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực xây dựng; phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực giao thông vận tải; phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực tín dụng. Đồng thời khuyến khích, phát triển, tạo điều kiện thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ phục vụ đời sống cho người dân như: du lịch, môi trường, nhà ở, y tế, giáo dục...

Triển khai thực hiện Đề án, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần tập trung chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012 và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã; Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã; Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế tập thể; Kết nối, thúc đẩy hợp tác quốc tế về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Để tổ chức thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến nhu cầu nguồn vốn từ ngân sách khoảng: 360,13 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 199,50 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 160,63 tỷ đồng. Việc huy động nguồn vốn được thực hiện thông qua việc lồng ghép nguồn lực từ Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và huy động nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, huyện. Ngoài ra, cần chú trọng đến giải pháp kết hợp huy động nguồn lực của hợp tác xã và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Đề án.


Hợp tác xã nông lâm nghiệp Nhữ Hán, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn: Mô hình điển hình về hoạt động tín dụng nội bộ

Phê duyệt Đề án với việc xác định cụ thể mục tiêu từng giai đoạn, định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo từng lĩnh vực ưu tiên phát triển, dự kiến nguồn vốn để tổ chức thực hiện và phân công nhiệm vụ thể đối với các cấp, các ngành của tỉnh là nhiệm vụ đặt ra hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Tuyên Quang, nòng cốt là hợp tác xã không ngừng phát triển, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, đặc biệt đối với khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn cần có những mô hình hợp tác xã kiểu mới, hoạt động hiệu quả để trở thành nhân tố kích thích các hoạt động kinh tế, tạo đà để khu vực nông thôn có những bước phát triển đột phá.

Có thể khẳng định, Đề án được thông qua để tổ chức thực hiện có tác động quan trọng, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thành phần kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là ở khu vực nông thôn. Kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển sẽ tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc  gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục