Làm giàu từ vườn mẫu nông thôn mới ở Tân Tiến

“Vườn đẹp, quy hoạch bài bản, ngăn nắp, môi trường trong lành, giá trị kinh tế từ vườn cao…” là những lời chia sẻ của nhiều người dân ở xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang về vườn mẫu nông thôn mới của gia đình anh Nguyễn Đình Cư, thôn 3, xã Tân Tiến.

Anh Nguyễn Đình Cư, xã Tân Tiến, thu hoạch chanh từ vườn của gia đình.

Những năm qua, nhờ chăm chỉ lao động, không ngừng học hỏi cùng với tư duy sản xuất tiến bộ… anh Nguyễn Đình Cư đã từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành triệu phú nhờ phát triển kinh tế vườn ở xã Tân Tiến.

Hàng cau bao quanh sân, vườn, không khí trong lành, cảnh quan đẹp… là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm đến nhà anh Nguyễn Đình Cư, thôn 3, xã Tân Tiến. Anh Cư chia sẻ, nông dân như anh thì chỉ có thể dựa vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, anh luôn trăn trở việc trồng cây gì, nuôi con gì để cho thu nhập ổn định.

Năm 2003, tận dụng diện tích đất vườn rộng nên anh quyết định chọn mô hình vườn - ao - chuồng là hướng phát triển kinh tế của gia đình. Gia đình anh đã cải tạo lại ao để nuôi cá, nuôi 6 con bò sinh sản và trồng vài chục cây hồng không hạt trong vườn. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm về bố trí, sắp xếp các loại cây trồng trong vườn nên diện tích đất vườn của gia đình vẫn chưa được sử dụng hết, nhiều chỗ còn bỏ hoang, thu nhập từ khu vườn của gia đình cũng chưa cao.

Năm 2010, sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của những người đã thành công với mô hình vườn - ao - chuồng, gia đình anh quyết định cải tạo, quy hoạch lại khu vườn. Ngoài trồng hồng không hạt, anh Cư còn trồng thêm cây chanh, bên cạnh nuôi bò sinh sản, gia đình anh còn nuôi ong…

Cũng theo anh Cư, toàn bộ khu vườn của gia đình anh có tổng diện tích 3,8 ha, hiện đã được quy hoạch thành khu trồng 150 cây chanh, 60 cây hồng không hạt, 400 cây cau (có 30 cây đang cho thu hoạch), kết hợp nuôi 120 đàn ong, 09 con bò sinh sản. Ao nuôi cá cũng được gia đình anh mở rộng để nuôi được nhiều cá hơn và làm “điều hòa” cho khu vườn.

Với việc bố trí, sắp xếp các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp trong vườn nên các loại cây, con trong khu vườn của gia đình anh Cư đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao; khu vườn rất sạch sẽ, không khí trong lành thoáng mát… Hai năm trở lại đây, thu nhập kinh tế từ khu vườn của gia đình anh Cư đạt bình quân gần 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng.

Anh Cư cho biết thêm, năm 2020, đăng ký thực hiện vườn mẫu nông thôn mới, gia đình anh được chính quyền địa phương hướng dẫn quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp hơn, trồng thêm hoa để tạo cảnh quan đẹp, làm đường bê tông nối các khu sản xuất. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, vườn của gia đình anh đã được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới. Thực hiện vườn mẫu mang lại rất nhiều lợi ích như quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp nên có nguồn thu nhập quanh năm, môi trường - cảnh quan khu vườn sạch đẹp, tạo sự thỏa mái cho gia đình khi hàng ngày chăm sóc cây ngoài vườn...

Anh Nguyễn Đình Cư (phải), xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong.

Ngoài làm vườn mẫu, gia đình anh Cư còn trồng thêm 4ha rừng keo để nâng cao thu nhập. Hiện, anh Cư đã trở thành triệu phú, tấm gương phát triển kinh tế từ vườn mẫu ở xã Tân Tiến. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Cư còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân tại địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Sinh, thôn 4, xã Tân Tiến cho biết, năm 2017, thấy gia đình anh Cư nuôi ong cho thu nhập cao nên ông đã đến để học tập. Được anh Cư hướng dẫn cách nuôi ong nên ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi 50 đàn ong trong khu vườn của gia đình. Năm 2020, với 50 đàn ong thu được 400 lít mật ong, với giá bán 150.000 đồng/lít gia đình ông thu về 60 triệu đồng. Đây là nguồn vốn để gia đình ông Sinh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, cải tạo lại vườn để có được khu vườn đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao giống như gia đình anh Cư...

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế từ vườn mẫu, anh Cư cho biết, muốn phát triển kinh tế từ vườn trước tiên phải chọn các loại cây, con phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương; tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đặc tính của các loại cây, con để có quy hoạch phù hợp cho khu vườn. Cùng với đó, phải chăm chỉ, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả lao động. Xây dựng vườn đạt tiêu chuẩn vườn mẫu nông thôn mới cần nhiều thời gian vì vậy, mỗi gia đình cần có sự kiên trì, bền bỉ... thì mới thành công.

"Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cải tạo vườn của gia đình, hướng tới đưa khu vườn trở thành địa điểm tham quan, du lịch cho du khách khi về Tân Tiến", anh Cư nói.

 
Khu vực nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Đình Cư, xã Tân Tiến.

Ông Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, xã hiện có 10 vườn mẫu nông thôn mới; trong đó, vườn mẫu của gia đình anh Nguyễn Đình Cư là một trong những vườn mẫu đẹp, cho thu nhập cao nhất trên địa bàn xã. Vườn mẫu của gia đình anh Cư đã góp phần tạo nên cảnh quan xanh mát, trong lành, một không gian sống đáng mơ ước ở vùng nông thôn, đồng thời gợi mở một hướng làm kinh tế mới là phát triển du lịch cộng đồng… Mô hình vườn mẫu của gia đình anh Cư là một trong những mô hình vườn mẫu cho các hộ dân trên địa bàn xã học tập và làm theo.

Trên cơ sở hiệu quả của mô hình vườn mẫu của gia đình anh Cư, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân về cách thức quy hoạch, chỉnh trang vườn nhà, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, đặc biệt là xây dựng hệ thống nước thải và thu gom, phân loại chất thải rắn, tránh gây ô nhiễm môi trường… Để xã ngày càng có nhiều vườn mẫu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần giúp xã hoàn thành mục tiêu hết năm 2022 đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao…

 

Bài, ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Tin cùng chuyên mục