HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương tại tổ 7, thị trấn Na Hang triển khai mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hữu cơ. (Ảnh nguồn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam)
Một số kết quả bước đầu
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 77 HTX có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm. Thực hiện hỗ trợ xây dựng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hữu cơ sản xuất theo PGS; duy trì áp dụng dán tem QR truy xuất nguồn gốc trên 100% các sản phẩm hữu cơ… với diện tích trên 530 ha cho cây trồng chính như: Rau, chè, bưởi, dưa lưới, cam Sành Hàm Yên… 10 HTX chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, 2 HTX chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ với vật nuôi chủ yếu là lợn, gà, các mô hình, dự án sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường và tạo sức cạnh tranh cao, tiêu biểu như: Mô hình bưởi hữu cơ tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn với sự tham gia của 44 hộ dân với tổng diện tích hơn 57,2 ha; mô hình sản xuất Chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà được nhận cúp Bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”, lọt vào top 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương và được vinh danh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; Mô hình sản xuất cam hữu cơ, tại huyện Hàm Yên với quy mô 33 ha; Mô hình bưởi hữu cơ tại xã Bình Xa (Hàm Yên) với quy mô 9,9 ha; Mô hình trồng lúa 6,2 ha hữu cơ tại huyện Lâm Bình… đang là những điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Tuyên Quang. Đến nay Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Hồng Thái, bưởi Soi Hà, rượu ngô men lá Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý.
Từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án bước đầu đã mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Giá trị sản phẩm hữu cơ cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản phẩm sản xuất thông thường, có thị trường tiêu thụ ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng.
Thời gian qua, để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã triển khai nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường... Đồng thời, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng thường xuyên hỗ trợ người nông dân, tổ hợp tác, HTX chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường... để nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Diện tích tham gia mô hình còn nhỏ; sản lượng sản phẩm còn ít, chưa thành hàng hóa; thiếu tính kết nối giữa người sản xuất với thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn; khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ năng suất giảm, khó khăn trong phòng, trừ sâu, bệnh hại; cân bằng sinh thái môi trường đất, nước, thực vật đã bị phá vỡ do canh tác không an toàn, mất cân đối trong nhiều năm trước.
Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
Từ thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ thời gian qua, để tiếp tục thúc đẩy phát triển, mở rộng sản xuất trong thời gian tới, tỉnh đã xác định phải thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu như:
Thứ nhất, tập trung quy hoạch các khu sản xuất tập trung trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển các vùng sản xuất hữu cơ gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu.
Thứ hai, tập trung truyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh. Chủ động và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, tổ chức trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác với người nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực.
Thứ ba, thực hiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển liên kết giữa các hộ với các hợp tác xã; giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả trong sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ, đào tạo nâng cao nâng lực quản lý cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, xác định các hợp tác xã, tổ hợp tác là nhân tố, mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất hữu cơ đối với trồng trọt, chăn nuôi.
Và để thực hiện có hiệu quả sản xuất hữu cơ và nhân rộng các mô hình, dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cần có các chính sách hỗ trợ như: Cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ khuyến khích phong trào xây dựng vườn cây hữu cơ gắn với thu gom rác thải, làm phân hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, ở các xã nông thôn mới./.