Trung Hòa phát triển mô hình kinh tế hiệu quả

Xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) xác định, đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện xã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa cho biết, nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã, do đó, xã tập trung vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Theo đó, xã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả 63 ha gồm 30 ha cam, 17 ha nhãn, 16 ha bưởi và duy nghề nuôi cá lồng trên sông Gâm với gần 40 lồng; phát triển mô hình nuôi trâu vỗ béo. Xã tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư cho phát triển kinh tế. Đến nay, dư nợ các nguồn vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hơn 20 tỷ đồng, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội là 7 tỷ đồng. Được vay vốn ưu đãi, các trang trại, HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Hiện trên địa bàn xã có 9 mô hình trang trại, 2 HTX hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt 95%; hộ nghèo của xã  giảm còn 2,1%.


Chị Lê Thị Kim Dung, thôn Nà Ngày, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) chăm sóc trâu, bò của gia đình.

Là gia đình đầu tiên chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trên địa bàn xã, chị Lê Thị Kim Dung, thôn Nà Ngày cho biết, năm 2017 chị được thăm mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn), chị nhận thấy nuôi trâu vỗ béo cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Cuối năm 2018, gia đình chị tiến hành xây dựng chuồng trại chăn nuôi thử 2 con trâu đực, sau 3 tháng lứa trâu đầu tiên được xuất chuồng gia đình chị thu lãi gần 8 triệu đồng. Nhận thấy nuôi trâu vỗ béo rất có triển vọng, chị đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến để phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Cùng với đó, HTX của chị ký hợp đồng liên kết 5 năm với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành từ khâu nhập trâu, bò đầu vào cũng như bao tiêu trâu, bò sau vỗ béo cho người chăn nuôi. Hiện nay, mỗi lứa gia đình chị nuôi 23 con trâu, bò vỗ béo, mỗi năm gia đình chị xuất chuồng gần 60 con trâu, bò thu lãi hơn 150 triệu đồng. Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến được hỗ trợ 400 triệu đồng để phát triển mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Chị Dung nói, trong khi các hộ nuôi trâu vỗ béo tự phát bị ảnh hưởng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 khó tiêu thụ thì trâu, bò sau vỗ béo của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến vẫn có đầu ra ổn định vì đã ký hợp đồng liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành trong 5 năm nên các gia đình rất yên tâm sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Mai, thôn Tân Lập cho biết, năm 2018 từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, gia đình anh được vay 300 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi và cung ứng giống gà ri bản địa. Gia đình anh đã liên kết các hộ chăn nuôi gà trong xã thành lập HTX gà ri Chiêm Hóa để từng bước phát triển quy mô chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Hiện nay, với 2.000 con gà bố mẹ và 2 lò ấp trứng, mỗi năm trang trại của anh xuất ra thị trường hơn 50.000 con gà giống.

Ngoài phát triển nông nghiệp, xã Trung Hòa đang khuyến khích người dân phát triển sản xuất gạch không nung, đan cót, chế biến nông sản tạo việc làm cho người lao động địa phương. Xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm và hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm nay. 

Bài, ảnh: Cao Huy/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục