Mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Xuân Vân

Phát huy lợi thế của địa phương, nhiều hộ dân xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.

Xã Xuân Vân là địa phương có tiềm năng, thế mạnh để phát triển trồng bưởi theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, do trước đây người dân chỉ trồng một giống bưởi dẫn đến thu hoạch sản phẩm thường tập trung vào một thời điểm, khả năng cạnh tranh thấp, bị tư thương ép giá, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa giống mới năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vào sản xuất để mở rộng diện tích trồng bưởi.


Vườn bưởi Diễn xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn

Đến thăm vườn trồng cây ăn quả của ông Trịnh Văn Thịnh ở thôn Chợ, với hai nghìn gốc bưởi các loại: Diễn, Cát Quế, Da Xanh, Đường chín sớm, Phúc Trạch, Tân Lạc lõi đỏ, Phúc Kiến... Để xây dựng thành công vườn cây ăn quả trên diện tích đất đồi với đa dạng nhiều giống bưởi, ông Thịnh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các giống bưởi ngon, nổi tiếng tại các địa phương trên địa bàn cả nước để trồng khảo nghiệm. Trong quá trình thực hiện, ông thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển để có đánh giá chính xác về năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi sau thu hoạch. Khác với lo lắng ban đầu, việc áp dụng mô hình trồng đa dạng nhiều giống bưởi trên cùng một diện tích đã tận dụng quá trình thụ phấn chéo, nên những cây bưởi của gia đình đều phát triển tốt, chất lượng cao và sản lượng cũng tăng  so với việc áp dụng mô hình trồng một giống bưởi đang được thực hiện. Nhờ đó, trong hai nghìn gốc bưởi, đến nay đã có vài trăm gốc đang cho thu hoạch, mỗi năm giá trị kinh tế mang lại cho gia đình ông khoảng 500 triệu đồng.


Một góc vườn bưởi của gia đình ông Trịnh Văn Thịnh

Không chỉ thành công với việc trồng đa dạng các giống bưởi quý của cả nước, đảm bảo về chất lượng, cũng như năng suất cây trồng. Mô hình này cũng giúp ông Thịnh tuyển chọn được những cây bưởi ngon, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương để lai ghép giống cung cấp cho  người trồng bưởi trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm có khoảng 5 vạn cây giống của gia đình ông đã được xuất vườn, tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động, với thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ một người nông dân chỉ quen với việc canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, song nhờ niềm đam mê nghiên cứu, ông đã đưa những giống cây ăn quả có múi nổi tiếng trong cả nước để xây dựng thành công mô hình trồng đa dạng các giống bưởi trên diện tích đất đồi và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho gia đình. Ông cũng đã thành công trong việc bảo tồn nguồn gen quý từ các giống bưởi quý trên địa bàn cả nước và nhân rộng phát triển, góp phần đa dạng hóa giống cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt đối với cây ăn quả có múi ở địa phương.

Kết quả bước đầu trong việc đa dạng hóa cơ cấu giống cây bưởi và cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn xã Xuân Vân đã có tác động quan trọng đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Thu Hương - VPĐP

Tin cùng chuyên mục