Lựa chọn khâu đột phá trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Tuyên Quang là tỉnh miền núi có địa hình tự nhiên phức tạp, nhiều nơi bị chia cắt, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh gặp không ít khó khăn. Để phát triển vững chắc, phù hợp với điều kiện địa phương, tỉnh đã lựa chọn khâu đột phá trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở từng giai đoạn. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo t

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo tỉnh đi kiểm tra công tác xây dựng NTM tại xã Tân Thịnh, H. Chiêm Hóa

Là tỉnh miền núi có trên 86% dân số sống ở nông thôn, trong những năm qua, Tuyên Quang đã quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư. Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi,  đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, y tế đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa và đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn. Mặc dù vậy, nông thôn Tuyên Quang vẫn còn nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là sự phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng đều và chưa vững chắc, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, phát triển hạ tầng nông thôn, mà cụ thể là xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương là những khâu được tỉnh lựa chọn để đột phá trong thời gian qua.

Bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhận thấy xây dựng đường giao thông nông thôn là vấn đề bức thiết ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, vì giao thông là huyết mạch thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Để thực hiện, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách bê tông hoá đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 có 2.184 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa, bê tông hoá, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.


Nhân dân xã Kim Quan, huyên Yên Sơn tập trung xây dựng đường giao thông

Từ chủ trương đó, tỉnh đã ban hành chính sách và bố trí nguồn kinh phí để để tổ chức thực hiện, triển khai hỗ trợ 100% xi măng làm đường; ống cống xây dựng hệ thống thoát nước ngang đường; chi phí vận chuyển, bốc xếp xi măng và chi phí vận chuyển ống cống đến thôn (bản). Nhân dân đóng góp nhân công, thiết bị, công cụ lao động, giải phóng mặt bằng; đóng góp vật liệu đá, cát, sỏi, cấp phối đá dăm hoặc cấp phối sỏi sạn để thi công móng, mặt đường và công trình thoát nước theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

 Với sự hỗ trợ của Nhà nước và cố gắng của nhân dân, từ năm 2011 đến hết năm 2015 trên địa bàn toàn tỉnh đã thi công xây dựng được trên 2.700 km, đạt 123,6% kế hoạch. Tổng kinh phí đã đầu tư trên 1.535 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 745 tỷ đồng (chiếm 48,5%), nhân dân tự nguyện đóng góp trên 790 tỷ đồng, chiếm 51,5%. Qua đó, hệ thống đường giao thông từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hoá giữa các khu vực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.


Nhân dân xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên đấy mạnh xây dựng, kiên cố hóa kênh mương

Để nâng cao hiệu quả tưới của hệ thống công trình thủy lợi, hoàn thành tiêu chí về Thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo cơ sở hạ tầng kênh mương bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định phê duyệt Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020 với kiên cố hoá 780km kênh mương bằng cấu kiện kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn lắp ghép. Tổng kinh phí thực hiện ước khoảng 635 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 511 tỷ đồng (chiếm 80%), nhân dân đóng góp 124 tỷ đồng (chiếm 20%). Cụ thể Nhà nước hỗ trợ 100% cấu kiện kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn và chi phí vận chuyển, bốc xếp cấu kiện đến trung tâm xã, phường, thị trấn; nhân dân đóng góp nhân công, vật liệu phụ để trực tiếp thi công kiên cố các tuyến kênh có diện tích phục vụ tưới từ 2ha trở lên

Kết quả thực hiện đến tháng 9/2019 toàn tỉnh Tuyên Quang đã thi công, lắp đặt hoàn thành đưa vào sử dụng 655 km/780 km kênh mương, đạt 84% kế hoạch, còn lại 125 km dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019. Như vậy việc triển khai thực hiện kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020 hoàn thành sớm hơn một năm so với mục tiêu của đề án.


Các lực lượng đoàn thanh niên, công an, quân sự tích cực chung sức cùng nhân dân tham gia vận chuyển, lắp đặt kênh mương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, việc lựa chọn khâu để đột phá thực hiện trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Tuyên Quang là bước đi quan trọng, cần thiết và đúng đắn. Chọn xây dựng đường giao thông ở thời kỳ đầu hay xây dựng kênh mương ở gia đoạn sau là rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của người dân. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, cũng như sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị trong quá trình tổ chức thực hiện. Từ đó nhân dân chủ động tham gia đóng góp hàng triệu ngày công, hàng nghìn mét đất, nguyên vật liệu và hàng tỷ đồng, tạo ra nguồn lực to lớn để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục