Kiên cố hóa kênh mương: Đột phá sau 04 năm thực hiện Đề án

Thực hiện chính sách kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang, dự kiến đến hết năm 2019 toàn tỉnh hoàn thành thi công lắp đặt được 784,84/780km (đạt 100,6%), hoàn thành sớm hơn một năm so với mục tiêu giai đoạn. Với kết quả đạt được, có thể nói đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân.

 Đồng chí Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện lắp đặt kênh mương tại xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình

Bước đầu triển khai thực hiện kiên cố hoá kênh mương, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm cứng hoá kênh mương bằng cấu kiện kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn, mặt cắt parabol tại xã Đại Phú, huyện Sơn Dương và xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình. Kết quả thí điểm cho thấy đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng kênh kiên cố, bền vững, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với thực hiện Chương trình xây dựng mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/5/2016 về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016.

Ngày 22/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2025 (tại Quyết định số 232/QĐ-UBND), với việc thực hiện kiên cố hóa kênh mương bằng cấu kiện kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn lắp ghép, trong đó xác định mục tiêu: Giai đoạn 2016 ÷ 2020: Kiên cố hoá 780km kênh mương; giai đoạn 2021 ÷ 2025: Kiên cố hoá 734km kênh mương.


Nhân dân xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa tích cực thực hiện kiên cố hóa kênh mương

Kết quả đánh giá sau 4 năm thực hiện kiên cố hóa kênh mương theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy: Các công trình kênh mương được kiên cố bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn hoàn thành đưa vào sử dụng là cơ sở hạ tầng, kỹ thuật quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa của các địa phương trong tỉnh.

Để có được sự đột phá trong việc hoàn thành sớm mục tiêu Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020 chỉ sau 04 năm thực hiện, cho thấy thành công của Chương trình xuất phát từ thực tế:

Thứ nhất, trong quá trình triển khai thực hiện luôn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh từ việc triển khai thực hiện thí điểm đến xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thực hiện các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã có sự vào cuộc hết sức quyết liệt; sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở và sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác quản lý, điều hành các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, do cấu kiện kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn mặt cắt parabol là sản phẩm mới ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ trong thi công xây dựng các công trình thủy lợi. Mặt cắt Parabol cấu tạo lòng máng với bề mặt kênh trơn nhẵn nên đã tăng lưu lượng dẫn nước khoảng 10-12%, ít xảy ra hiện tượng rò rỉ, thất thoát nước trong kênh, dễ dàng nạo vét bùn đất bồi lắng lòng kênh hơn các loại kênh có mặt cắt khác; quá trình quản lý khai thác thuận tiện. Đặc biệt, khi quy hoạch lại đồng ruộng hoặc điều chỉnh thay đổi tuyến kênh có thể tháo ra, di chuyển và lắp đặt lại vị trí khác thuận lợi dễ dàng.

Thứ ba, thực hiện chính sách hỗ trợ trong kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về nhu cầu, nguồn lực. Từ đó người dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất… để tổ chức thi công lắp đặt kiên cố hóa kênh mương theo kế hoạch hàng năm.

Đặc biệt, thông qua chính sách đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị trong tỉnh và sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân, từ đó đã huy động được trên 544 tỷ đồng để tổ chức thực hiện hoàn thành 784,84km, đạt 100,6% mục tiêu Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020; góp phần tạo sự đột phá chỉ sau 04 năm thực hiện: Hoàn thành sớm hơn một năm so với mục tiêu Đề án; đưa tổng số xã đạt tiêu chí thủy lợi lên 128/129 xã, đạt 99,22%, tăng 42 xã so với năm 2015; nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa toàn tỉnh năm 2015 là 58,5% lên74,6% năm 2019.


Một tuyến kênh mương được hoàn thành, đưa vào sử dụng trên địa bàn huyện Lâm Bình

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương trong 4 năm qua tiếp tục khẳng định: Chính sách xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của người dân và khả năng huy động nội lực trong nhân dân để thực hiện theo phương châm“Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” thì quá trình triển khai sẽ được nhân dân đồng tình hưởng ứng và chủ động tích cực thực hiện. Đồng thời việc phân cấp tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện và năng lực thực tế của các cấp, các ngành, đặc biệt đối với cấp xã là yếu tố quyết định thành công của chính sách./.  

Trần Gia Lam/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục